Vì sao có hiện tượng thấm nước tại công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông?
(ĐCSVN) - Theo phản ánh của người dân sống tại phố Hoàng Cầu (đoạn đang thi công nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông), thời gian gần đây, xuất hiện những vệt nước rò rỉ từ phần ghép bê-tông giữa trụ cầu và mặt cầu. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra đối vấn đề chất lượng của công trình tại đây.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị G, sống tại khu vực này cho biết: Trước đây, khi họ thi công, chúng tôi đã vất vả đến hàng mấy năm trời vì việc bít bùng, tắc nghẽn xe cộ. Đến nay, mặc dù chẳng mưa gió gì, nhưng nước từ những cạnh nứt phía trên trụ cầu cứ rơi rào rào vào đầu chúng tôi mỗi khi có việc đi lại dưới gầm cầu. Việc thi công chưa xong đã rò rỉ nước như vậy, chúng tôi lo ngại khi tuyến đường đưa vào hoạt động có đảm bảo an toàn hay không?
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực xảy ra hiện tượng rò rỉ nước như phản ánh của người dân nằm tại khu vực đầu đường Hoàng Cầu, nơi đang thi công phần nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đến nay, đã xong phần thô, gồm đổ bê tông mặt sàn, lợp mái, các khu vực rào chắn của dự án phía dưới lòng đường Hoàng Cầu cũng đã được tháo dỡ, chỉ còn tồn tại hệ thống lưới quây đảm bảo an toàn phía bên trên. Bằng mắt thường, rất dễ nhận thấy những vệt nước thấm nằm ở điểm ghép giữa trụ cầu và bề mặt dưới của mặt cầu.
Tìm hiểu thêm chúng tôi thấy, không chỉ có nước là thứ vẫn đang rơi xuống đầu những người qua lại tại đây, mà thậm chí là cả những mẩu bê-tông vụn cùng vô số cát bụi thi nhau rơi tự do xuống đường, nơi có nhiều người và phương tiện qua lại.
Anh Vũ Tuấn Anh - một người thường xuyên qua lại tại khu vực trên chia sẻ: "Từ khi khởi công đến nay, tôi thấy quá nhiều những bất cập trong quá trình thi công tuyến đường sắt trên cao, thậm chí có tai nạn dẫn đến tử vong cho người đi đường khiến nhiều người như tôi không khỏi lo lắng. Vì vậy, mỗi khi qua đây, tôi luôn cẩn thận quan sát phía trên, đề phòng những sự cố đáng tiếc. Phần ghép nối bê-tông mà xảy ra rò rỉ đến mức độ nước thấm qua như vậy liệu có an toàn hay không? Tại sao chỗ ghép nối bê-tông khác lại không bị rò rỉ nước? Mong cơ quan chức năng làm sáng tỏ để người dân yên tâm đối với những hiện tượng như trên".
Bà Hoàng Thị Thảo, một người dân khác cho biết: Ngày 4/5/2016, một người đàn ông điều khiển xe máy qua công trường khu vực này đã bị một thanh sắt có đường kính 1cm, dài khoảng 40cm rơi trúng tay. Người này ngã ra đường khiến nhiều phương tiện đi phía sau phải phanh gấp để tránh đâm vào. Rất may sau sự việc, không có ai bị thương nặng. Tuy nhiên, người đi đường cũng một phen hết hồn...
Sau đây là một số hình ảnh về khu vực xuất hiện những vết nước thấm bất thường tại công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông:
Những vệt nước rò rỉ giữa phần bê-tông trụ cầu và mặt cầu của nhà ga Hoàng Cầu, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Thậm chí ở một số chỗ còn xuất hiện những tia nước phun xuống phía dưới.
Mặt đường ẩm ướt bởi nước nhỏ từ trên xuống.
Cùng với hiện tượng thấm nước, có nhiều mảnh bê-tông vụn rơi xuống mặt đường.
Một số trụ cầu khác của tuyến đường sắt trên cao cũng có hiện tượng thấm và và chảy nước tương tự.
Nhiều người lo ngại về chất lượng của công trình khi phát hiện những vệt nước chảy.
Người dân mong cơ quan chức năng làm sáng tỏ để có thể yên tâm đối với những hiện tượng trên.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.
Chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia), khu Depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông.
Dự án trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.
Tháng 10/2015, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải điều chỉnh tăng vốn gấp 1,6 lần, lên gần 870 triệu USD so với dự kiến ban đầu là 553 triệu USD (tương đương 8.800 tỷ đồng).
Theo báo cáo, đến cuối tháng 10/2015, dự án đã hoàn thành thi công 419/419 trụ cầu khu gian, 112/112 trụ nhà ga, 81/112 xà mũ các nhà ga (khoảng 72%), cơ bản hoàn thành toàn bộ tầng 2, tầng 3 ga mẫu La Khê, toàn bộ 420 cọc khoan nhồi nhà ga Cát Linh, đục được 608 và lao lắp 494 trên tổng số 806 phiến dầm đơn giản.
Bộ GTVT cũng đã ký 2 hiệp định vay vốn, tổng số 419 triệu USD cho dự án và giải ngân được 3.960 tỷ đồng (tương đương 195 triệu USD), đạt 47% tỷ lệ vốn ODA đã vay.
Trong một buổi thị sát công trình vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng thầu EPC Trung Quốc và các đơn vị khác tập trung thi công để hoàn thành dự án vào tháng 12/2016.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.
Chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia), khu Depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông.
Dự án trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.
Tháng 10/2015, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải điều chỉnh tăng vốn gấp 1,6 lần, lên gần 870 triệu USD so với dự kiến ban đầu là 553 triệu USD (tương đương 8.800 tỷ đồng).
Theo báo cáo, đến cuối tháng 10/2015, dự án đã hoàn thành thi công 419/419 trụ cầu khu gian, 112/112 trụ nhà ga, 81/112 xà mũ các nhà ga (khoảng 72%), cơ bản hoàn thành toàn bộ tầng 2, tầng 3 ga mẫu La Khê, toàn bộ 420 cọc khoan nhồi nhà ga Cát Linh, đục được 608 và lao lắp 494 trên tổng số 806 phiến dầm đơn giản.
Bộ GTVT cũng đã ký 2 hiệp định vay vốn, tổng số 419 triệu USD cho dự án và giải ngân được 3.960 tỷ đồng (tương đương 195 triệu USD), đạt 47% tỷ lệ vốn ODA đã vay.
Trong một buổi thị sát công trình vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng thầu EPC Trung Quốc và các đơn vị khác tập trung thi công để hoàn thành dự án vào tháng 12/2016.