Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Về Lộc Ninh thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền

Thứ Hai, 28/03/2022 17:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Căn cứ Tà Thiết không chỉ ghi dấu những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn của dân tộc trong thế kỷ XX mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc, trí tuệ và tài năng của con người Việt Nam.

 Từ thị trấn Lộc Ninh di chuyển đến Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tà Thiết khoảng hơn 20km.

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp về thăm quan Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền (Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam), còn gọi là Căn cứ Tà Thiết (tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Nằm trong hệ thống các căn cứ địa của miền Đông Nam bộ, căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với những đặc điểm riêng của mình đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Toàn bộ khu di tích được quy hoạch 3.200 ha, trong đó có các hạng mục di tích được quy hoạch với tổng diện tích 385 ha gồm: Đài tưởng niệm, phòng trưng bày, các khu nhà làm việc, nơi ở, hệ thống sân vườn, hệ thống đường bộ, đường vận hành xe điện thoáng đãng, sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa đón du khách tham quan.  Khu di tích còn được đầu tư hệ thống khách sạn lưu trú, cùng hệ thống nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống cho du khách...

Ngày trước, người dân trong vùng thường gọi nơi đây là “Rừng Chính phủ” vì được Quân ủy và Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ.

Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, do đó Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ từ Chiến khu Dương Minh Châu - Tây Ninh về đóng tại Tà Thiết. Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Đầu tháng 3/1973, căn cứ Tà Thiết bắt đầu được xây dựng và được xác định là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tại đây, dưới những tán cây lớn, rừng le đan xen chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh Miền thời bấy giờ như: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định… Tất cả các công trình đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi), có hệ thống hầm hào bí mật.

Căn cứ Tà Thiết đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong quá trình đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây là nơi tổ chức hội họp, tiếp đón các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục miền Nam để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, triển khai các phương án tác chiến, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương.

Ngày 3/4/1975, nơi đây đã đón đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu về họp bàn xây dựng kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết của Đảng về việc thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. 19 giờ ngày 14/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận được bức điện mật của Tổng Bí thư Lê Duẩn về việc đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Cũng tại nơi đây, ngày 30/4/1975, các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch đã cùng nhau ngồi nghe trên sóng phát thanh Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà...

Căn cứ Tà Thiết không chỉ ghi dấu những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn của dân tộc trong thế kỷ XX mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc, trí tuệ và tài năng của con người Việt Nam. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích quốc gia đặc biệt.

Chiến tranh đã lùi xa, những con người từng sống và làm việc ở căn cứ Tà Thiết năm xưa, nay có người đã trở về với tổ tiên. Với những người đang sống, họ vẫn giữ được khí phách anh hùng, niềm lạc quan và tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Căn cứ Tà Thiết đã trở thành di tích lịch sử quý giá, nơi góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử chiến đấu hào hùng của các thế hệ cha anh.

Thời điểm trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, mỗi năm, nơi đây đón trên 40 nghìn lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động về nguồn, các hoạt động ý nghĩa khác.

Dưới đây là một số hình ảnh về khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tà Thiết: 

 Khu Đền thờ tại Khu Di tích
Đài tưởng niệm tại Khu Di tích.
 Tà Thiết là nơi ở và làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp của Quân giải phóng miền Nam (Trong ảnh: Nhà ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Thị Định-nguyên Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền).
Nơi ở và làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà.

 Nơi làm việc của Bộ Chỉ huy Miền.
 Khu Di tích Tà Thiết là nơi đón nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về tham quan, tìm hiểu.
Trong những ngày tháng 3 này, cũng như các “địa chỉ đỏ” khác ở Nam bộ, căn cứ Tà Thiết ngày nào cũng đón nhiều du khách tham quan.
Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN