Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Thứ Hai, 09/09/2024 19:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.

Đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên nhiều vùng miền đất nước, nhưng tập trung nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, với nhiều nhóm người khác nhau dựa trên đặc điểm địa lý, phong tục, trang phục và ngôn ngữ. Các nhóm người Dao có: Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao quần trắng, Dao Thanh y, Dao Làn tẻn, Dao Thanh phán… Mỗi nhóm Dao có bản sắc văn hóa, phong tục, lễ hội riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú về cộng đồng người Dao. Trong kho tàng văn hóa đó, múa dân gian là một đặc trưng văn hóa, được hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ người Dao, luôn thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác trên các vùng miền đất nước.

Múa dân gian của người Dao thường được đồng bào tổ chức tại những không gian mở như, sân làng, bãi đất trống, bên những dòng suối, sườn đồi, nơi cộng đồng có thể quây quần và hòa mình vào nhịp sống chung, tạo ra một không khí mộc mạc, tự do, hòa quyện với núi non và cỏ cây môi trường thiên nhiên xung quanh.

Các điệu múa dân gian của người Dao thường xuất hiện trong các lễ hội lớn như lễ cúng Bàn Vương, lễ cầu mùa, lễ cưới, lễ cấp sắc, Tết cổ truyền hay những dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng. Không gian múa thường là trung tâm của các hoạt động văn hóa, được bao quanh bởi người dân làng cùng khách tham gia, tạo nên khung cảnh sôi nổi, vui tươi. Âm thanh của trống, chiêng, khèn vang vọng khắp bản làng, khuấy động không khí và thu hút mọi người cùng tham gia. Múa dân gian người Dao không chỉ mang lại những trải nghiệm văn hóa sâu sắc mà còn phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa con người và thiên nhiên, cũng như tinh thần kết nối cộng đồng bền vững.

 Múa dân gian dân tộc Dao in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, ẩn chứa và phô diễn những câu chuyện về cuộc sống, tín ngưỡng và ước vọng của người Dao.
 Dân tộc Dao có các điệu múa dân gian tiêu biểu như: Múa cấp sắc, múa gà, múa bắt ba ba, múa chuông, múa rùa, múa khăn, múa nón, múa cầu mùa, múa xúc tép… mỗi điệu múa sử dụng trong những nghi lễ khác nhau, mang những đặc trưng riêng.
  Múa Dao thường được biểu diễn theo nhóm, thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Những điệu múa dân gian thường đòi hỏi sự đồng điệu giữa các thành viên, thể hiện tình đoàn kết, sự phối hợp nhịp nhàng, hòa hợp của cả tập thể.
 Điệu múa của người Dao khỏe khoắn, dứt khoát nhưng không kém phần tinh tế. Các động tác quay tròn, nhảy hay đan tay hòa cùng tiếng trống, tiếng khèn thể hiện sức sống vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng người Dao trước cuộc sống.
 Những điệu múa của người Dao thường tái hiện cuộc sống hằng ngày, có mối liên hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên. Ở loại hình nghệ thuật này tiêu biểu có điệu múa “cầu mùa” mô phỏng cảnh canh tác nông nghiệp của người Dao. Trong ảnh: Điệu múa dân gian giới thiệu trong Lễ cầu mùa của người Dao tiền, tỉnh Bắc Kạn.
 Tại các không gian tín ngưỡng, những điệu múa dân gian có tính chất linh thiêng, thường được người Dao tổ chức tại nơi thờ cúng, tế lễ hoặc tại nhà sàn của những người đứng đầu bản làng. Những điệu múa này có ý nghĩa nổi bật là biểu đạt tấm lòng thành kính với thần linh, tổ tiên của người Dao.
Điệu múa cổ trong “lễ cấp sắc” của người Dao quần chẹt, tỉnh Vĩnh Phúc. 
 Trong các nghi lễ tín ngưỡng, không gian múa có tính chất linh thiêng, thường được tổ chức tại các khu vực thờ cúng hoặc trước nhà sàn của những người đứng đầu bản làng. Nơi đồng bào thể hiện lòng thành kính với thần linh, tổ tiên của dân tộc mình.
Lễ hội Tết nhảy, là một trong những lễ hội dân gian quan trọng bậc nhất của người Dao quần chẹt ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Lễ được tổ chức vào dịp cuối năm, hoặc dịp Tết Nguyên đán, nhằm tạ ơn thần linh, Bàn Vương, tổ tiên, các thế lực siêu nhiên đã trợ giúp người Dao trong cuộc sống. 
 Điệu “múa chuông” trong tết Nhảy người Dao quần chẹt, tỉnh Tuyên Quang.
Điệu “múa rùa” trong Tết Nhảy diễn tả cảnh bắt rùa để dâng cúng Bàn Vương - thủy tổ của người Dao và các vị thần trong tín ngưỡng người Dao. 
 Các điệu múa Dao sử dụng các nhạc cụ truyền thống như chuông, trống và chũm chọe, trống, kèn để làm nhịp điệu. Các đạo cụ phụ trợ khác cùng tạo nên một bản âm hưởng sôi động, giàu sức sống trong nghệ thuật dân gian của người Dao.
 Nhạc cụ truyền thống sử dụng trong hoạt động dân vũ và cưới hỏi của người Dao.
 Nghệ thuật dân vũ của người Dao là tiếng lòng mộc mạc, chứa đựng những giá trị văn hóa lâu đời, mang theo cả tâm tư, tình cảm và khát vọng về cuộc sống. Đặc biệt, khi âm nhạc, nghệ thuật dân vũ hòa quyện với vẻ đẹp của những thiếu nữ Dao Đỏ trong trang phục truyền thống rực rỡ, với chiếc váy thêu hoa văn tỉ mỉ và chiếc khăn đội đầu đỏ rực, tất cả tạo nên một bức tranh văn hóa Dao sống động và lôi cuốn.
 Tất cả những sắc thái văn hóa tổng hòa cùng làm nên nét đặc sắc trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao, vừa giản dị, mộc mạc vừa trang trọng và đậm tính nghệ thuật, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Đồng thời góp vào bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam những sắc mầu lung linh rực rỡ.
N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN