Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vẽ bậy, phun sơn lên ô tô bị xử lý thế nào?

Thứ Sáu, 07/04/2017 16:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian vừa qua, hiện tượng những chiếc xe ô tô đỗ sai vị trí nên bị người dân xịt sơn, vẽ bậy lên khắp cả xe... đang gây nhiều tranh cãi, khiến dư luận chú ý. Vậy các hành vi trên sẽ bị xử lý thế nào dưới góc độ pháp lý?

Ô tô bị vẽ bằng bút sơn ở phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Nguồn: Báo Giao thông)

Trao đổi với chúng tôi Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Hành vi phun sơn, vẽ bậy lên xe của người khác có dấu hiệu của tội cố ý hủy hoại làm hư hỏng tài sản của người khác. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp và cần xác định mức thiệt hại thực tế để có căn cứ xử lý cụ thể.

Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng thì có thể khởi tố hình sự về tội Hủy hoại tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi 2009.

Tại khoản 1 Điều này quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Còn hành vi đỗ xe kém ý thức của một số người có thể Căn cứ vào Khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

e) Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; Đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; Đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; Đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; Đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này;”

Nếu ở chỗ dừng không có biển cấm đỗ xe mà chủ xe vẫn vi phạm về khoảng cách, để xe không sát mép lề đường hoặc những hành vi khác quy định ở điều trên thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định.

Trong trường hợp thực tế, ví dụ sự việc vẽ bậy lên ô tô xảy ra ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa qua, xét thấy hành vi của bà chủ nhà xuất phát một phần từ lỗi của ông chủ xe ô tô. Bởi ở đây, nếu đoạn đường trên không có biển cấm đỗ xe, thì ông chủ xe vẫn phải tuân thủ các quy định của luật giao thông đường bộ (như Nghị định 46/2016/NĐ-CP tôi đã viện dẫn ở trên).

Mặt khác, khi ông chủ xe vô tình đỗ xe cản trở đường đi lại của người khác, làm người khác không thể mở cửa ra vào nhà mình, hành vi này sẽ vi phạm vào điều cấm tức Khoản 10 của Điều 12, Luật đất đai 2013 quy định về hành vi “Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”

Ở đây, nếu xét trên góc độ trách nhiệm dân sự thì dù người đỗ xe có sai thì những người khác đều không có quyền làm hư hại tài sản bằng hành động xịt sơn lên xe, đập phá, vẽ bậy... Đặc biệt, do việc phá hoại là cố ý nên chắc chắn cần phải bồi thường. Vậy nên, trong trường hợp thực tế, khi đã xảy ra sự việc 2 bên nên bình tĩnh hòa giải và bồi thường.

Các gia chủ bị ô tô đỗ bừa bãi chắn lối đi, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, người dân nên báo cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương để tiến hành cẩu xe đi chỗ khác hoặc lập biên bản vi phạm thay vì phun sơn, vẽ vậy, đập phá xe người khác. Việc này vô tình khiến bản thân vi phạm pháp luật./.

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN