“Vật vã” sang tên xe!
(ĐCSVN) - Từ ngày 15/8, Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định biển số định danh được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe. Việc quản lý biển số theo định danh chỉ thực hiện đối với biển 5 số, bao gồm cả ô tô và xe máy. Trước đây, xe nào biển đó, giờ sẽ là người nào biển đó và biển số sẽ phải đi theo người.
Trước hết phải khẳng định việc quản lý biển số theo mã định danh cá nhân giúp công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Biển số xe giống như sim điện thoại, có thể lắp trên bất kỳ chiếc máy nào. Như vậy, khi chủ phương tiện bán xe vẫn giữ lại biển số để đăng ký cho phương tiện khác do mình sở hữu.
Hay trường hợp khác như xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, việc truy trách nhiệm của chủ phương tiện và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây tai nạn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với biển số định danh mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ bán xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi. Nếu quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi.
Trường hợp chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó.
Sau khi chủ xe làm thủ tục thu hồi, người mua (chủ mới) làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.
Đây cũng là lý do trước thời điểm 15/8, người dân đã “tranh thủ” đi làm thủ tục đăng ký xe mới, sang tên xe mua lại vì tâm lý lo ngại “tắc đường” khi đi làm thủ tục mua mới hoặc sang tên xe mua bán. Tuy nhiên, việc mua bán xe cũ cần làm thủ tục sang tên còn tồn tại không ít vấn đề cần sớm được khắc phục giữa các cơ quan liên quan.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, không ít người dân đã gặp vướng mắc khi thực hiện quá trình “sang tên” đăng ký xe của mình sau khi mua xe. Thông thường, việc đầu tiên của quy trình mua bán xe đúng luật là bên mua và bên bán phải đến văn phòng công chứng để làm hợp đồng mua bán. Sau đó, đến cơ quan thuế phụ trách theo địa chỉ thường trú để nộp hồ sơ, nhận thông báo nộp thuế.
Người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ, thu hồi biển số tại một cơ sở của công an thành phố Hà Nội (Ảnh: Thế Kỷ) |
Tuy nhiên, ở bước này, người dân gặp phải tình huống “khóc dở mếu dở” vì sai… 1 chữ/1 dấu trên thông báo nộp thuế sẽ phải làm lại. Lý do có thể từ chính người khai hoặc nhân viên nhập liệu của cơ quan thuế gõ nhầm. Ở bước này, nếu người nào cẩn thận, “soi” lại từng chữ trên thông báo thuế trước khi rời trụ sở cơ quan thuế thì có thể làm lại nhanh được. Nếu không, đằng sau đó sẽ là một “chuỗi” những rắc rối rất mất thời gian. Đặc biệt, với những người là công chức nhà nước, làm việc theo giờ hành chính thì phải xin nghỉ vài buổi, thậm chí đến vài ngày mới xong thủ tục.
Tiếp đến là việc nộp tiền vào ngân sách nhà nước tại ngân hàng. Đến bước này, hiện Tổng cục thuế đã có ứng dụng Etax Mobile để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc thanh toán Lệ phí trước bạ của phương tiện. Tuy nhiên, vấn đề cũng lại ở đây!!! Theo hướng dẫn, người dân chỉ cần nhập đoạn mã trên thông báo thuế là có thể thanh toán chỉ trong vài giây, nhưng khi in chứng từ để nộp cho cơ quan công an thì không ít người rơi vào tình cảnh… thông tin cá nhân trên chứng từ bị sai lệch hoàn toàn. Đầu tiên là họ và tên của người nộp… không có dấu, tiếp đến là phần thông tin địa chỉ cư trú cũng có thể sai. Và những lỗi sai này đương nhiên người dân không thể tự sửa và cũng “không hiểu vì sao” lại sai (?!) dù đã cập nhật theo thông tin căn cước công dân gắn chip.
Đương nhiên, khi người dân mang bộ hồ sơ với những giấy tờ nêu trên đến cơ quan công an để làm đề nghị sang tên và đổi đăng ký xe thì sẽ không hợp lệ vì hồ sơ phải chuẩn xác từng chữ.
Người dân khi đến cơ quan công an vẫn cần phải qua một bước nữa đó là đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến theo quy định mới, có yêu cầu hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin và thao tác trình tự theo nội dung đã được cơ quan in lên bảng hướng dẫn. Tuy nhiên, hệ thống để nhập liệu cũng là vấn đề với nhiều người vì thường xuyên gặp phải tình trạng hệ thống cơ sở dữ liệu bị chậm, không truy cập được hoặc… người dân điền sai vì hướng dẫn vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ khi điền đến mục “tên chủ xe” trong trường hợp làm sang tên xe mua bán, hệ thống tự chạy điền tên… chủ cũ, trong khi thực tế người dân cần phải xoá hết đi và điền là thông tin chủ sở hữu mới. Không ít người thử thách tính kiên nhẫn của chính bản thân khi điền xong hàng chục trường dữ liệu và nhấn nộp hồ sơ trực tuyến thì lại thất thần khi nhận được thông báo của cơ quan công an là… khai báo sai, cần làm lại.
Trong trường hợp người dân đã khai báo đúng và nộp hồ sơ trực tiếp tới cơ quan công an để đề nghị đổi đăng ký xe theo quy định thì “vẫn chưa xong” vì lúc này yêu cầu của cơ quan công an là các giấy tờ phải là chữ có dấu, không chấp nhận chứng từ “không có dấu”. Trong khi thực tế thì chứng từ in từ hệ thống của một số ngân hàng lại… không có dấu. Chưa kể đến thông tin cư trú in trên chứng từ của ngân hàng cũng chưa chính xác (có thể do kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác).
Với lỗi sai “1 chữ/1 dấu” trên thông báo nộp thuế sẽ kéo theo các lỗi trên chứng từ nộp trước bạ nếu người dân nộp qua Etax, chắc chắn người dân chỉ còn cách phải chạy qua chạy lại để chỉnh sửa rất nhiều lần dù có thể lỗi đó không phải của mình.
Và cách “tối ưu” nhất là ra ngân hàng để đề nghị chỉnh sửa thay vì quay lại cơ quan thuế ban đầu. Nhưng khi người dân ra ngân hàng, không phải nhân viên của chi nhánh/phòng giao dịch nào cũng “hiểu cho trọn” mong muốn cần phải sửa của khách hàng vì nhiều lý do (!?). Lý do lớn nhất được đưa ra là “đây là lỗi của bộ phận thuế, ngân hàng không có trách nhiệm”.
Thực tế, khách hàng nếu biết “từ khoá” của ngành ngân hàng thì hoàn toàn có thể yêu cầu nhân viên thực hiện nếu dùng từ “làm lệnh tra soát”. Việc hệ thống chỉ có chữ “không dấu” khi in ra chứng từ nộp thuế thì không còn cách nào khác là phải “nói khó” với nhân viên của ngân hàng “viết hộ” và đóng dấu xác nhận.
Với từng ấy công đoạn chỉnh sửa, người dân phải mất không ít thời gian để xử lý một việc tưởng chừng hết sức đơn giản khi dữ liệu cư dân đã được số hoá, chia sẻ, kết nối…
Có thể thấy đâu đó vẫn tồn tại bất cập trong việc liên thông dữ liệu giữa các cơ quan với nhau, cụ thể ở đây là Thuế - Ngân hàng - Công an. Tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” vô tình đã khiến người dân mang theo một tâm lý “ngại” đi làm thủ tục theo đúng pháp luật và để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình./.