Vấn nạn hàng giả, kém chất lượng trên nền tảng trực tuyến
(ĐCSVN) - Không thể phủ nhận sự tiện lợi khi đặt mua hàng online trên các nền tảng bán hàng trực tuyến, hoặc mạng xã hội Facebook, Zalo… Tuy nhiên, đã có rất nhiều “cú lừa” diễn ra từ những cuộc mua bán trên mạng như này, thế nhưng cư dân mạng vẫn cứ tiếp tục bị lừa và dường như những kẻ lừa đảo cũng vẫn “bình chân như vại”.
Tin nhắn trao đổi mua hàng của chủ shop và người mua. |
Việc mua hàng trên mạng thông qua cá nền tảng trực tuyến đôi khi không thể kiểm chứng chất lượng nên đã khiến không ít khách hàng lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì chủ shop “treo đầu dê bán thịt chó”, hoặc nhận tiền đặt cọc rồi bặt lặn mất tăm…
Vừa qua, chị N.M.H tại Thanh Xuân, Hà Nội đã ấm ức lên trang cá nhân tố một shop quần áo online lừa đảo. Trước đó, chị H đã lướt Facebook và thấy một shop bán bộ đồ rất ưng. Hình ảnh và kiểu dáng rất hợp với ý mình thêm nữa là cô chủ shop rất nhiệt tình tư vấn sản phẩm. Không ngần ngại chị H sau đó đã chuyển đủ 100% tiền mua 2 bộ đồ để được miễn phí vận chuyển.
Sau khi chuyển tiền, bên chủ shop nhận được tiền và báo chuẩn bị hàng thì chị H ngỡ ngàng khi không thể nào liên lạc được với cô chủ shop kia.
Hay như trường hợp của anh Đồng Quang Hoàn, TP Hà Nội nhân dịp gia đình có ngày kỷ niệm anh muốn tổ chức một bữa tiệc nhỏ nên định đặt về một ít hải sản. Cũng là người hay mua hàng online vì thấy rất tiện và không mất nhiều thời gian nên anh Hoàn đã lên mạng gõ từ khóa “Chợ hải sản”. Ngay lập tức hàng trăm “gian hàng” hải sản xuất hiện. Thu hút sự quan tâm của anh là hình ảnh những con tôm vừa to vừa tươi rói đang bơi trong chậu, giá cả lại hợp lý trên một shop bán hải sản online. Anh Hoàn lập tức gọi điện cho chủ cửa hàng để đặt hàng.
Qua sự tư vấn nhiệt tình cùng những lời giới thiệu như rót mật vào tai, anh Nam đã chuyển khoản trước 5 triệu đồng để đặt cọc. Tuy nhiên, sau 24h đúng lịch đã hẹn mà chưa thấy hàng được chuyển tới anh Hoàn liền gọi lại cho chủ cửa hàng nhưng lúc này số điện thoại trên đã thuê bao.
Chị Thanh Hoa ở Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: hiện nay có rất nhiều shop lợi dụng lòng tin của người mua cùng rất nhiều chiêu trò khiến người mua không biết đâu mà lần. Người mua bỏ số tiền không nhỏ để mua món hàng chất lượng, nhưng đến khi nhận là là sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng... Phản hồi thì người bán quanh co, bảo là “giống y chang, nhưng do chụp lên hình có đèn nên màu sắc khác”.
“Có lần tôi thấy một chủ tài khoản đăng bán bộ váy rất đẹp lại rẻ nên đặt mua. Ai dè cuối cùng họ giao cái váy nhăn nhúm, còn không bằng hàng thùng, không thể mặc nổi. Tôi phản hồi thì người bán buông luôn 1 câu: Tiền nào của đấy, muốn đẹp, tốt thì ra cửa hàng to mà mua”, chị Hương nói.
Ma trận hàng giả trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội |
Khó có thể thống kê hết lượng người tiêu dùng bị những cú lừa từ người bán hàng online. Tuy nhiên, lý do để những người bán online này vẫn tiếp tục lộng hành, lừa đảo mà hầu như không phải chịu một hậu quả nào là do việc kinh doanh buôn bán trên mạng hầu như chỉ bằng niềm tin, không có ràng buộc pháp lý rõ ràng.
Do vậy, người mua hàng cần cảnh giác và thận trọng hơn khi mua hàng trên mạng. Chỉ nên mua hàng tại website rõ ràng.
Liên quan đến việc lừa đảo trên mạng xã hội, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin người bán, hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng...
Một số shop áp dụng hình thức kiểm tra hàng trước khi nhận nhưng lại cố ý bọc hàng thật kĩ bằng nhiều lớp giấy gói và băng dính khiến khách hàng ngại bóc. Hoặc khách đi vắng, ship lại gửi đồ ở đâu đó theo yêu cầu của khách, thành ra không kiểm hàng trước khi nhận.
Hiện nay các chủ shop cũng có rất nhiều cách để đẩy tương tác của shop trong khi thực tế lượng tương tác chỉ chiếm một phần nhỏ. Bằng cách lập ra những trang Fanpage bán hàng chuyên nghiệp, mua lượng like, comment, đánh giá tốt cho rầm rộ tạo sự tin cậy cho người mua. Các sản phẩm được đăng bán đều có hình ảnh rất đẹp, giá tốt.
Những trang này có điểm chung là sử dụng kỹ xảo mua lượt yêu thích Facebook ảo để tăng số lượng yêu thích trang lên hàng nghìn người, đánh vào tâm lý tin tưởng số đông.
Đối với trường hợp hàng hoá kém chất lượng, người bán cố tình không để lại địa chỉ, số điện thoại, người mua chỉ giao dịch với shipper. Vì thế khi nhận hàng, nếu không kiểm tra thì khách sẽ không thể phản hồi được./.