Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Văn Lâm: Phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III

Thứ Hai, 10/08/2020 11:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Phát huy lợi thế huyện cửa ngõ thủ đô của tỉnh Hưng Yên và có Quốc lộ 5A đi qua, từ kết quả khu vực trung tâm huyện lỵ được công nhận đô thị loại IV, Đại hội Đảng bộ huyện Văn Lâm lần thứ XXV nhiệm kỳ (2020-2025) đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Văn Lâm đạt đô thị loại III.

Khu trung tâm huyện Văn Lâm 

          Đại hội đã đánhgiá tổng quát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXIV. 5 năm qua, Văn Lâm đã phát huy tốt những lợi thế về vị trí địa lý, sự quan tâm của các cấp để phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ - thương mại, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Là địa bàn gần thủ đô và trên cơ sở các khu công nghiệp đã quy hoạch, do đó nhiều doanh nghiệp đã chọn Văn Lâm để đầu tư. Năm 2015 Văn Lâm có 2.400 cơ sở sản xuất, trong đó có 361 doanh nghiệp, đến năm 2020 số doanh nghiệp tăng lên là 680, trong đó có 559 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 57.400 lao động. Sản phẩm của các doanh nghiệp ở Văn Lâm rất đa dạng, phong phú như thép, dây cáp điện các loại, phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, gạch cao cấp… đã tạo nên giá trị sản xuất tăng bình quân 14,28%, vượt 3,28 % so với kế hoạch đề ra. Tổng giá trị thực tế năm 2020 ước tính là hơn 99.902 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015, chiếm 80,67% trong cơ cấu kinh tế. Anh Nguyễn Đức Cơ, Giám đốc nhà máy ống thép Hòa Phát ở khu công nghiệp Như Quỳnh A cho biết: “Đất nước mình ngày càng hội nhập sâu với thế giới, thì việc cạnh tranh giữa các sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu ngày càng lớn. Để đứng vững trên thương trường, nhà máy ống thép chúng tôi luôn không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm ống thép không những bền đẹp mà giá cả phải hợp lý. Những năm qua, đội ngũ  kỹ sư nhà máy có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất… do đó, sản phẩm ống thép Hòa Phát đứng vững trên thị trường. Hai năm qua, mỗi năm nhà máy sản xuất được hơn 260.000 tấn ống thép các loại không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi Mỹ, Canada…đạt doanh thu hơn 11.021 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 862 tỷ đồng, nhờ đó mà mức lương của 900 cán bộ, công nhân nhà máy ngày càng được nâng lên”.

          Nhằm phát huy hết thế mạnh của mình, huyện đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 10 cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng được nâng lên như rượu Lạc Đạo, sản phẩm đúc đồng Lộng Thượng (xã Đại Đồng)… được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới tin dùng.

Công nghiệp phát triển đã kéo theo sự phát triển về thương mại, dịch vụ, bình quân tăng 15,2%/năm. Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng như dịch vụ ăn uống, nhà trọ, khách sạn, siêu thị, du lịch, taxi… Đến nay, trên địa bàn huyện có 40 chợ, 6 siêu thị, rất nhiều cửa hàng kinh doanh tổng hợp tự chọn. Văn Lâm có tuyến xe buýt dọc theo chiều dài huyện từ thị trấn Như Quỳnh đến xã Lương Tài rất thuận lợi cho nhiều người đi lại và 3 hãng taxi với trên 200 đầu xe. Nhiều gia đình ở các xã Lạc Hồng, Trưng Trắc, Tân Quang, Như Quỳnh…có nhiều phòng trọ cho thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng/tháng. Giá trị thương mại, dịch vụ năm 2020 theo giá thực tế đạt 4.229 tỷ đồng tăng 2,32 lần so với năm 2015.

Cùng với phát triển công nghiệp và dịch vụ - thương mại, Văn Lâm luôn chú trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Huyện triển khai thực hiện các đề án về trồng trọt, chăn nuôi và một số chương trình hỗ trợ sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất. Toàn huyện đã chuyển đổi hơn 444,8 ha cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa; đã có trên 200 mô hình kinh tế trang trại với diện tích 57 ha, 4 HTX nông nghiệp kinh doanh các sản phẩm chủ lực của huyện về lúa, dược liệu và cây ăn quả…góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, giá trị sản xuất đạt 205 triệu đồng/ha canh tác. Cơ cấu kinh tế năm 2020 là: Công nghiệp, xây dựng: 80,67% - Nông nghiệp: 3,35% - Thương mai, dịch vụ: 15,98%. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,38%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 77 triệu đồng/người (nếu tính GRDP thì ước đạt trên 120 triệu đồng/người, tăng 43 triệu đồng so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,9% năm 2015 xuống còn 1,53%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 99%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo được các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp tích cực tham gia tạo thành sức mạnh tổng hợp, nhất là việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2015 – 2019 đã huy động được hơn 4.500 tỷ đồng và hàng vạn ngày công, 576 hộ hiến đất được 8.922m2 và 722 gia đình ủng hộ gần 2,5 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Đến năm 2018 đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2019 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trước sự đổi thay của quê hương, lớp người cao tuổi tỏ ra rất phấn khởi, bà Đào Thị Nga ở xã Lạc Hồng vui mừng cho biết: “Trước đây cuộc sống vất vả, khó khăn lắm, từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới đưa nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được tăng lên gấp nhiều lần, xã tôi bây giờ các trục đường giao thông rộng rãi, có đủ các loại cửa hàng tiêu dùng rất tiện lợi, nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối của Đảng”. 

Kinh tế phát triển, Đảng bộ và nhân dân Văn Lâm luôn quan tâm đến sự nghiệp trồng người, 5 năm qua toàn huyện đầu tư xây mới 231 phòng học và nhiều nhà hiệu bộ, với tổng số vốn gần 163 tỷ đồng. Đội ngũ giáo viên các cấp học không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, do đó có 31/34 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng giáo dục toàn diện, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi ngày càng được nâng lên, ngành giáo dục Văn Lâm luôn là một trong những đơn vị đứng tốp đầu của tỉnh. Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và có nhiều tiến bộ, có 97,6% số làng và 91,2 % số gia đình đạt chuẩn văn hóa (tăng 12,6% số làng và gần 1,2% số gia đình so với năm 2015). Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, thể thao thành tích cao phát triển vượt bậc. Toàn huyện có 92 câu lạc bộ TDTT hoạt động thường xuyên, 5 năm qua, 610 vận động viên Văn Lâm tham dự giải cấp tỉnh, cấp quốc gia đạt 252 Huy chương các loại. Tại Seagame 30, huyện Văn Lâm đã đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam 03 vận động viên tham gia thi đấu,giành 03 huy chương (02 HCV, 01 HCB). Tiêu biểu là vận động viên Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã giành HCV môn bắn cung và giành quyền tham gia thi đấu Olympic Tokyo 2020.

Hệ thống y tế công lập được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả.  Trung tâm y tế huyện có 150 giường bệnh, mặc dù trang thiết bị khám bệnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ y, bác sĩ luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp: “Lương y như từ mẫu”, do đó thu hút bệnh nhân đến khám bệnh rất đông.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại hội đã chỉ ra những hạn chế đó là: cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa vững chắc; chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm; dịch vụ nông nghiệp kém phát triển. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực nông thôn chưa được giải quyết triệt để; triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở các cụm công nghiệp chưa kịp thời, việc triển khai các dự án cấp nước sạch còn chậm; tai nạn giao thông có giảm còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…

Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những điểm còn hạn chế, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Văn Lâm đề ra mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 9%; thu ngân sách tăng bình quân hằng năm từ 5% đến 10%; đến năm 2025, ước thu ngân sách đạt trên 4.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 122 triệu đồng/năm (tính theo GRDP đạt 160 triệu đồng/người); giá trị bình quân thu được trên 1ha canh tác đạt 220 triệu đồng; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 72%; số xã đạt nông thôn mới nâng cao đạt 80%, trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hàng năm, 20% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 100% trường công lập giữ vững chuẩn quốc gia, trong đó có thêm từ 3 đến 5 trường đạt chuẩn mức độ 2…

Để đạt được những mục tiêu đó, Đại hội đã đề ra 6 giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, nội chính, đối ngoại, hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí Trần Quốc Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Văn Lâm đã chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đó là: “Lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành đảm bảo đồng bộ và có tính khả thi cao; việc đầu tư xây dựng các công trình phải trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy hoạch. Xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ cụ thể theo đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tạo bước phát triển mới. Tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín để đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, thu hút các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao đồng thời tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp tư nhân và các hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện. Tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong công tác xây dựng Đảng, thường xuyên nắm chắc tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “ tự chuyển hóa” trong nội bộ, phát huy chủ động, sáng tạo và sức mạnh của cả hệ thống chính trị”.

Kế thừa, phát huy truyền thống huyện anh hùng và những kết quả trong những năm qua, 2 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động, Đảng bộ và nhân dân Văn Lâm nguyện đoàn kết, thống nhất, quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra, đưa huyện Văn Lâm đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025.

Cao Văn Khởi ( Trung tâm chính trị huyện Văn Lâm)

có thể bạn quan tâm

    Ý KIẾN BÌNH LUẬN