Văn hóa công vụ đang ở đâu?
(ĐCSVN) – Trong khi các cơ quan Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị luôn quan tâm coi trọng đến xây dựng đạo đức, văn hóa công vụ, lấy người dân là trung tâm, đối tượng phục vụ cao nhất, tuy nhiên, thời gian vừa qua trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đâu đó có vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, vô cảm, ứng xử rất không đúng mực với người dân, gọi dân bằng 'mày' làm dư luận bất bình.
Vừa qua báo chí đưa tin về tình trạng ứng xử của một số cán bộ, đảng viên với người dân không đúng mực, gọi dân bằng “mày…” trong phòng chống dịch bệnh được dư luận đặc biệt quan tâm. Xin được nêu ví dụ sau:
1.Câu chuyện thứ nhất: “mắng chửi thậm tệ trong đêm, gọi bệnh nhân F0 bằng mày”
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip, một phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đến trạm y tế xã Gia Xuyên vào buổi tối để xin giấy quyết định cách ly. Bệnh nhân này đã gặp ông Nguyễn Duy Hợp, Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Xuyên, Trung tâm y tế TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đang trực phòng, chống dịch COVID-19.
Tại đây, ông Hợp mắng chửi bệnh nhân này thậm tệ, khiến người này bật khóc. Ông Hợp không cho F0 cơ hội được giải thích mà liên tục mắng nhiếc.
Ông quát: “Mày xin giấy gì, mày là ai, mày về thôn mày, tao biết mày là ai. Đêm hôm mày ra xin giấy tao à?... Tao là con người chứ có phải là cái máy đâu mà đêm hôm ra xin giấy tao à? Tao là y tế chứ tao có phải là bác sĩ đâu, tao không phải cái máy”.
Clip được đăng tải gây sự chú ý, quan tâm chia sẻ của dư luận. Tuy nhiên đa số đều không đồng tình với ứng xử của ông Trưởng Trạm y tế xã này. Ông Hợp thừa nhận clip do người dân phản ánh là đúng sự thật.
“Khoảng 23 giờ ngày 19.2, khi chị P.T.T. (SN 2000) là công dân đang tạm trú trên địa bàn xã đến xin giấy quyết định cách ly, tôi đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực. Nhận thấy việc làm của bản thân là sai, sáng hôm sau tôi đã gọi điện xin lỗi chị T”, ông Hợp cho biết.
Lý giải về hành động này, ông Hợp nhìn nhận, thời gian gần đây do tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn ra rất căng thẳng. “Mặc dù vậy nhưng tôi cũng không thể đổ lỗi do công việc mệt mỏi mà ứng xử sai với dân. Sau khi sự việc xảy ra tôi cảm thấy rất áy náy và ân hận, bản thân xin nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc trong khi thực hiện nhiệm vụ”, ông Hợp cho biết.
Ngày 27/2, UBND TP Hải Dương cho biết Hội đồng kỷ luật của Trung tâm y tế TP Hải Dương đã xem xét hành vi vi phạm, quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Duy Hợp.
2. Câu chuyện thứ hai xảy ra tại tỉnh Thái Bình: Chủ tịch xã gọi dân bằng ‘mày’
Ngày 10/3, trên một số trang mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip ngắn ghi cảnh một người được cho là Chủ tịch UBND xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có hành vi to tiếng với người quay clip mình. Bên cạnh đó, người được cho là Chủ tịch UBND xã Đông Á còn liên tục nói: “Quay này! Quay này, mày thích quay này. Muốn quay thì vào đây...”
Đoạn clip được khá nhiều người chia sẻ và tỏ ra bức xúc trước thái độ của người có hành vi ngăn cản người dân quay clip.
Ông Phí Đức Vui, Chủ tịch UBND xã Đông Á, thừa nhận người trong clip chính là mình.
Ông Vui cho biết: “Việc xảy ra ở nhà ông H. tại thôn Đông Hòa, xã Đông Á vào ngày 28/2. Khi đó, cả nhà ông H. đều nhiễm COVID-19, cách ly điều trị tại nhà. Trong thời gian cách ly, gia đình ông H không tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch, hàng ngày vứt rác sinh hoạt bừa bãi khiến người dân xung quanh bức xúc phản ánh lên chính quyền xã. Đến ngày 28/2, gia đình ông H. còn gọi thợ đến sửa mạng wifi mà không báo với chính quyền. Tôi đến nhắc nhở và xảy ra vụ việc như trên”.
Trong khi đó, ông H cho biết, do vợ chồng ông H là giáo viên nên dù là F0 vẫn duy trì việc dạy học ở nhà qua hình thức trực tuyến. “Do mất mạng, không dạy trực tuyến được nên vào ngày 28/2, tôi có gọi thợ đến sửa. Đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, nhân viên nhà mạng lắp xong và chuẩn bị ra về thì ông Vui cùng 2 cán bộ khác đến nói với nhà tôi, "nhà chúng mày có hai giáo viên mà chúng mày ngu thế, ai cho phép chúng mày gọi thằng này đến đây?"”, ông H thông tin.
Trong quá trình ông Vui làm việc, vợ ông H lấy điện thoại ra quay lại. Thấy vậy, ông Vui lao đến gạt điện thoại của vợ ông H xuống đất.
“Sau đó, chính quyền xã Đông Á còn phát nội dung gia đình tôi vi phạm quy định chống dịch lên hệ thống phát thanh xã 4 ngày với 8 lượt. Nội dung phát không đúng gây mất uy tín gia đình tôi”, ông H cho hay.
Được biết, ông H đã gửi đơn tố cáo hành vi của ông Vui đến Bí thư Huyện ủy Đông Hưng. Thông tin từ UBND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị này đang kiểm tra làm rõ clip quay cảnh Chủ tịch UBND xã Đông Á.
3. Câu chuyện thứ ba xảy ra tại TP Hải Phòng: Trạm trưởng y tế trả 1,5 triệu đồng khi bị tố nhận tiền để đưa F0 vào viện
Theo anh Nguyễn Việt Thắng (SN 1975, trú tại phường Trại Cau, quận Lê Chân, TP Hải Phòng), trưa ngày 5/3, Trưởng trạm Y tế lưu động phường Trại Cau Nguyễn Sỹ Hùng đã mang 1,5 triệu đồng tới nhà bố mẹ anh để trả lại.
“Khoảng 8h30 ngày 5/3, ông Hùng cầm theo một phong bì, bên trong có 1,5 triệu đồng tới nhà bố mẹ tôi để trả lại. Đó là số tiền gia đình 2 lần đưa cho cán bộ y tế và ông Hùng để bố tôi được đi cấp cứu khi sức khỏe yếu do mắc COVID-19. Ông Hùng có viết mấy dòng thừa nhận được nhân viên đưa cho các phong bì đó, không biết có gì bên trong”, anh Thắng cho hay.
“Cán bộ y tế phường tới nhà mang bình oxy tới và ký giấy cho bố tôi đi viện sáng 27/2. Vợ tôi đã gửi phong bì 500.000 đồng để cảm ơn. Khi nhận phong bì, người này đứng ở sân mở ra. Thấy có 500.000 đồng, người này lập tức gọi điện để báo cáo rồi vào đòi thêm. Họ nói ít nhất là 2 triệu đồng mới chấp nhận ký giấy cho bệnh nhân đi viện. Người nhà tôi tranh cãi qua lại mất hơn nửa giờ thì họ mới hạ còn 1,5 triệu đồng. Sau khi họ nhận tiền, bố tôi được ra xe cấp cứu để chuyển tới Bệnh viện Việt Tiệp 2”, anh Thắng bức xúc.
Trước đây, anh Thắng xin chuyển cho mẹ mình là F0 đi bệnh viện. Lúc đó, anh ra phường xin giấy, cán bộ y tế cũng nói nhỏ vào tai là phải chi tiền “bôi trơn”. Tuy nhiên, anh kiên quyết không đưa và thể hiện thái độ phản đối nên họ dừng lại.
Ông Phạm Đình Đại, Chủ tịch UBND phường Trại Cau, cho biết qua làm việc, ông Hùng thừa nhận có việc nhân viên y tế tại Trạm Y tế lưu động thuộc Trung tâm Y tế quận Lê Chân nhận tiền của người nhà F0.
“Phường đang yêu cầu trạm y tế giải trình, kiểm điểm trước UBND phường. Trưởng trạm y tế khẳng định với phường có nhận 1 triệu đồng. Đây là người nhà bệnh nhân cảm ơn chứ không phải vòi vĩnh. Ông ấy nói nhận có 1 triệu đồng nhưng đã mang trả lại 1,5 triệu. Sáng nay, Trung tâm Y tế quận Lê Chân cũng họp để giải quyết vụ việc”, ông Đại nói.
Qua ba câu chuyện trên, có thể thấy công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 hơn hai năm qua đã làm cho chúng ta mất mát và tổn thất rất lớn từ vật chất đến tinh thần, nhất là sự hy sinh của cán bộ cơ sở ngày đêm thường trực 24/24 nơi tuyến đầu chống dịch. Những cán bộ cơ sở, những thầy thuốc trực tiếp xử lý dịch bệnh đã không quản khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng, lao vào ổ dịch, nhiều ngày không được về nhà, kể cả việc hiếu, hỷ cũng phải gác lại để tất cả vì nhân dân phục vụ. Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất “thầy thuốc như mẹ hiền” trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi bức, dù đã kiệt sức nhưng vẫn quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng. Chúng ta luôn ghi nhớ, cảm ơn và tự hào về những cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ, những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch.
Tuy nhiên, không thể đổ cho lý do khó khăn ấy để giải thích, biện minh cho những thiếu sót, tồn tại, hạn chế của một số cán bộ thiếu tu dưỡng rèn luyện về đạo đức văn hóa công vụ, để xảy ra những biểu hiện, ứng xử không đúng mực như: quát mắng, gọi dân bằng mày “mày xin giấy gì, mày là ai, mày về thôn mày, tao biết mày là ai. Đêm hôm mày ra xin giấy tao à”, “chúng mày ngu thế”? Hay như tình trạng quan liêu, ăn chặn của dân của Trưởng trạm Y tế quận Lê Chân, Hải Phòng… Tất cả những hiện tượng tiêu cực ấy đều phải được kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc làm gương góp phần giáo dục nâng cao đạo đức văn hóa công vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch COVID -19.
Bác Hồ đã dạy dù trong hoàn cảnh nào cán bộ cũng phải là công bộc của dân; người đầy tớ trung thành của dân; hết lòng phụng sự nhân dân, gắn bó với nhân dân. Không thể tự cho mình cái quyền đứng trên nhân dân muốn làm gì thì làm; quyền hành là ở nơi dân; dân ủy thác cho chính quyền. Học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, liên tục không ngừng nghỉ để xây dựng văn hóa công vụ hiện đại lấy người dân làm trung tâm.
Tập trung xây dựng văn hóa công vụ theo Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Có thể nói đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ Nhân dân./.