Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng

Chủ Nhật, 01/09/2024 17:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 1/9, trong chương trình công tác tại Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng, trong đó có khu vực nghiên cứu lấn biển dự kiến xây dựng khu thương mại tự do và dự án cảng Liên Chiểu và một số dự án đường bộ trọng điểm trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về Dự án nghiên cứu lấn biển phục vụ khu dịch vụ thương mại tự do (thuộc Khu thương mại tự do)  

Sáng 1/9, trong chương trình công tác tại Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng, trong đó có khu vực nghiên cứu lấn biển dự kiến xây dựng khu thương mại tự do và dự án cảng Liên Chiểu. Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố Đà Nẵng.

Ngay đầu giờ sáng, Thủ tướng đã đi khảo sát tại khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành (chức năng là khu dịch vụ logistics, diện tích khoảng 420 ha). Đây cũng là một trong những vị trí đang được xem xét để dự kiến xây dựng khu thương mại tự do Đà Nẵng. 

Khảo sát khu vực dự kiến lấn biển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển, song cần nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề nguyên vật liệu san lấp; diện tích đất sau khi lấn biển cần thực hiện đúng chức năng theo tiêu chí khu thương mại tự do, những vị trí đẹp nhất dành cho sản xuất kinh doanh.

Tiếp đó, Thủ tướng thị sát, kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Trước đó, vào tháng 6/2022, Thủ tướng đã khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu và kết nối giao thông liên vùng giữa Đà Nẵng và khu vực.

Cảng biển Liên Chiểu là dự án trọng điểm đang được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư. Đây cũng là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành và TP. Đà Nẵng tại buổi khảo sát 

Dự án hạ tầng dùng chung của Khu bến Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản. Dự án đã khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành công trình vào tháng 11/2025. Nhà thầu là Liên danh Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Phú Xuân - Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần xây dựng Xuân Quang. Giá trị khối lượng thi công hoàn thành đến nay đạt 67%, giá trị khối lượng hợp đồng tương ứng khoảng 1.770 tỷ đồng; cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch.

Còn tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố, khởi công tháng 9/2023. Đến nay, giá trị khối lượng thi công hoàn thành đạt 33% giá trị khối lượng hợp đồng.

Về tình hình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng bến cảng, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác cảng trong và ngoài nước có kinh nghiệm, năng lực tài chính đã liên hệ với các cơ quan chức năng mong muốn được tham gia đầu tư dự án cảng Liên Chiểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác khảo sát hiện trường

Khảo sát hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; đề nghị thành phố Đà Nẵng, các bộ ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan cần quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, nỗ lực lớn hơn nữa, thần tốc, hiệu quả hơn nữa, phấn đấu hoàn thành phần hạ tầng dùng chung và đường ven biển kết nối cảng Liên Chiểu trước 30/8/2025.

Thủ tướng lưu ý việc xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng lưỡng dụng với công năng đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động môi trường; quy hoạch tổng thể, lâu dài, chiến lược còn đầu tư có thể phân kỳ; chú trọng triển khai các dự án kết nối giao thông; huy động nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn lực của các nhà đầu tư.

Về nhà đầu tư xây dựng bến cảng, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật; tinh thần là lựa chọn một nhà đầu tư có phương án tốt nhất, chịu trách nhiệm chính, còn nhà đầu tư này có thể phối hợp với các doanh nghiệp khác để triển khai.

Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng công trình hạ tầng lớn này cũng như khu thương mại tự do; không làm dàn trải; huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ tham gia thực hiện các phần việc có thể làm được với tinh thần toàn dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thủ tướng lưu ý cần làm tốt công tác tái định cư, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bị ảnh hưởng, phải di dời, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

*Cũng trong sáng 1/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã đi khảo sát các vị trí dự kiến xây dựng khu thương mại tự do và một số dự án đường bộ trọng điểm trên địa bàn.

Thủ tướng đã khảo sát 2 vị trí dự kiến xây dựng khu dịch vụ thương mại thuộc khu thương mại tự do Đà Nẵng, gồm khu vực nghiên cứu lấn biển ven đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê rộng khoảng 420 ha và khu 90 ha chân núi Bà Nà, huyện Hòa Vang (đã được quy hoạch đất thương mại dịch vụ).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố Đà Nẵng rà soát quy hoạch các khu vực phát triển thương mại dịch vụ; nghiên cứu, xác định rõ việc kết nối giữa các khu vực này, bao gồm kết nối mềm, kết nối cứng, kết nối về giao thông, kết nối chính sách, kết nối quản lý, cũng như đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, đảm bảo bổ sung cho nhau và không triệt tiêu nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà lực lượng thi công tại dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên-Túy Loan

Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã kiểm tra thi công dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên-Túy Loan dài hơn 11 km, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đi qua huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Dự án được khởi công tháng 9/2023, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025, tổng mức đầu tư trên 2.112 tỷ đồng, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

Kiểm tra thực địa và tặng quà lực lượng thi công tại dự án, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao lực lượng đã tập trung thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm việc 3 ca, 4 kíp", "làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ" và đạt hơn 40% giá trị hợp đồng.

Thủ tướng cũng hoan nghênh, đánh giá cao thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc huy động cả hệ thống chính trị vào công tác giải phóng mặt bằng; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo cho người dân nhường đất cho dự án đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thi công dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên-Túy Loan 

Thủ tướng mong muốn Đà Nẵng khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2024; các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành tuyến cao tốc này trước ngày 30/8/2025, chào mừng 80 năm Quốc khánh, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; và để hết năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhanh, bền vững, đời sống nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Thủ tướng Chính phủ cũng khảo sát dự án đầu tư hoàn thiện nút giao đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, với Quốc lộ 14B tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã thông xe khai thác thu phí đoạn sử dụng vốn JICA từ tháng 8/2017 và thu phí đoạn vốn WB từ 01/01/2020.

Theo phương án đầu tư, nút giao Túy Loan được thiết kế với quy mô hoa thị hoàn chỉnh, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về nguồn vốn nên nút giao này chưa được triển khai.

Sau khi nghe báo cáo tổng quan dự án, Thủ tướng Chính phủ nhất trí cần khẩn trương đầu tư nút giao này nhằm tăng liên kết giao thông giữa cao tốc với Quốc lộ 14B-tuyến đường kết nối Đà Nẵng, miền Trung với Tây Nguyên. Thủ tướng nhất trí ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí, ngân sách địa phương bố trí 50%; yêu cầu hoàn thành xây dựng nút giao này trước ngày 30/9/2025.

Nhân dịp này, kiểm tra thi công đường kết nối cảng Liên Chiểu với tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tuyến giao thông kết nối này. Chỉ sau 01 năm, hiện nay đã đạt khối lượng 60%; mong muốn các nhà thầu thi công tổ chức đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng Liên Chiểu, thu hút, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác thăm Trường liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hy Vọng (Hope School), thành phố Đà Nẵng 

* Trưa 1/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã thăm Trường liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hy Vọng (Hope School), thành phố Đà Nẵng - là Trường nội trú do Tập đoàn FPT đầu tư, xây dựng để đón các em nhỏ không may mắn, mất cha mẹ do đại dịch COVID-19.

Thành lập tháng 9/2021, đến nay, Trường đã trải qua 6 đợt tuyển sinh với hơn 300 học sinh đến từ 43 tỉnh thành và 13 dân tộc anh em từ mọi miền Tổ quốc. Hope School là đại diện duy nhất của Việt Nam đạt được giải thưởng danh giá, quy mô lớn thế giới về phát triển bền vững toàn cầu với đề cử "Hoạt động cộng đồng ấn tượng nhất toàn cầu" tại Giải thưởng CSR và ESG toàn cầu. Học sinh của Trường cũng giành nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và thành phố.

Tặng quà, trò chuyện với thầy và trò Hope School, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại mất mát do đại dịch COVID-19 gây ra và sự ra đời của trường, thể hiện truyền thống tốt đẹp đoàn kết, thương người như thể thương thân của dân tộc. Cho rằng đây là di sản quý báu của dân tộc, Thủ tướng mong muốn giáo viên, học sinh nhà Trường tiếp tục gìn giữ, phát huy, vun đắp di sản này lên tầm cao mới, trong thời đại mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác cùng các em học sinh Trường liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hy Vọng (Hope School) 

Thủ tướng Chính phủ biểu dương Tập đoàn FPT, với triết lý "hy vọng gieo rắc hy vọng; yêu thương đền đáp yêu thương", không chỉ kinh doanh hiệu quả mà còn quan tâm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Chúc mừng thầy và trò nhà trường đạt nhiều thành tích trong những năm học qua, bước vào năm học mới 2024-2025, Thủ tướng mong muốn các thầy giáo, cô giáo không chỉ dạy chữ mà hãy thể hiện tình yêu thương học sinh như yêu thương người thân của mình để bù đắp một phần thiệt thòi cho các cháu; đề nghị FPT cùng với đào tạo kiến thức toàn diện, hướng tới đào tạo những ngành mới nổi, nhất là các ngành mà FPT có thế mạnh và nhu cầu; tiếp tục chăm lo, giáo dục học sinh phát triển toàn diện và theo khả năng của các cháu.

Khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo sự nghiệp trồng người, nhất là đối với những người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau; không hy sinh công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, môi trường để lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực của sự phát triển…, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn học sinh Hope School nỗ lực vươn lên, học tập, rèn luyện, phát triển cả đức, trí, thể, mỹ, trước hết trở thành công dân tốt vì chính mình, đóng góp cho quê hương, đất nước.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN