Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vận hành hiệu quả dự án thoát nước, xử lý nước thải thành phố Hà Giang

Thứ Ba, 25/04/2023 15:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thống nhất về các nội dung liên quan đến dự án, tập trung đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, như: Thời gian gia hạn giải ngân vốn vay, việc không sử dụng vốn vay ODA cho các công việc phát sinh bổ sung và công tác bàn giao, đưa dự án vào khai thác, sử dụng; phối hợp hoàn tất thủ tục để kết thúc dự án trong năm 2023…

Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng sản phẩm tiêu biểu của tỉnh cho bà Bente Schiller và đoàn công tác. (Ảnh: Kim Tiến)

Sáng 25/4, tại trụ sở UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh có buổi làm việc với đoàn công tác của Tổ chức DSIF (Đan Mạch) do bà Bente Schiller, Giám đốc Tổ chức Tài chính cơ sở hạ tầng bền vững DANINA (DSIF) làm trưởng đoàn cùng các cộng sự và đại diện các bộ, ngành T.Ư về dự án thoát nước, xử lý nước thải thành phố Hà Giang.

Tham gia buổi làm việc có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Giang được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ban đầu năm 2007 với tổng số vốn gần 225 tỷ đồng; năm 2021 điều chỉnh dự án với mức đầu tư gần 230 tỷ đồng; trong đó, vốn ODA trên 195 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 34 tỷ đồng.

Quy mô của dự án xây dựng các tuyến ống thu gom nước thải có chiều dài thiết kế trên 8,6 km; xây dựng 1.500 điểm đấu nối và đấu nối đường ống nước thải sau bể tự hoại hoặc công trình vệ sinh của các tổ chức, hộ dân vào hệ thống thu gom chung; 3 trạm bơm tăng áp; xây dựng trạm xử lý nước thải công nghệ xử lý sinh học cải tiến với giá thể vi sinh công suất 3.000m3/ngày đêm. Dự án do Liên danh SUEZ Water A/S – SUEZ International (Đan Mạch) thi công.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Tuy nhiên, do triển khai các trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài từ năm 2007, đến năm 2019 dự án mới được khởi công xây dựng; năm 2020 và 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam để đào tạo vận hành, chuyển giao công nghệ, chạy thử… Do đó, UBND tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 31/12/2021. Đến nay, dự án đã hoàn thành 100% khối lượng xây dựng, lắp đặt thiết bị, đào tạo vận hành, chạy thử theo đúng hồ sơ được phê duyệt. Tuy nhiên, tổng số vốn đã được bố trí cho dự án chưa được giải ngân là 30 tỷ đồng do thời hạn giải ngân đã hết. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian giải ngân cho dự án.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thống nhất về các nội dung liên quan đến dự án, tập trung đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, như: Thời gian gia hạn giải ngân vốn vay, việc không sử dụng vốn vay ODA cho các công việc phát sinh bổ sung và công tác bàn giao, đưa dự án vào khai thác, sử dụng; phối hợp hoàn tất thủ tục để kết thúc dự án trong năm 2023…

Trao đổi tại buổi làm việc, bà Bente Schiller đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và khối lượng đạt được của dự án; bày tỏ mong muốn hợp tác với tỉnh để sớm hoàn thành các nội dung liên quan đến dự án, nhất là hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân để khẩn trương đưa dự án đi vào hoạt động, vận hành, nhằm bảo đảm thời gian bảo hành cũng như trách nhiệm của nhà thầu trong việc sửa chữa các lỗi kỹ thuật.

Để vận hành hiệu quả dự án, bà Bente Schiller đề nghị tỉnh cân đối ngân sách để xây dựng các hạng mục ngoài danh mục đầu tư, thiết kế ban đầu của dự án, gồm: Trạm quan trắc nước thải tự động; máy phát điện dự phòng cho nhà máy xử lý nước thải; xây dựng thêm bể dự trữ nước cấp để đảm bảo vận hành của nhà máy xử lý nước thải.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn trao đổi tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn đánh giá cao các ý kiến hai bên trao đổi, cho thấy các vướng mắc cơ bản được thống nhất giải quyết, giúp tỉnh chủ động hơn trong việc tháo gỡ khó khăn của dự án. Đồng thời cho biết, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48, ngày 14/12/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện đến 30/6/2023. Sắp tới, HĐND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết để điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh vốn ODA còn thời hạn để bảo đảm thời gian thực hiện. Mong muốn, đoàn công tác tiếp tục tác động tới các bộ, ngành T.Ư để giúp tỉnh hoàn thiện các nội dung liên quan đến dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tỉnh đã ban hành quyết định về định mức kỹ thuật; chủ động báo cáo các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân và sẵn sàng các điều kiện cần thiết để vận hành hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, do hiện nay thiếu trạm quan trắc tự động nên tỉnh sẽ báo cáo cơ quan chức năng để triển khai thực hiện và sẽ có văn bản báo cáo bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung điều chỉnh. Đối với các hạng mục bổ sung nằm ngoài quy mô ban đầu dự án, tỉnh cam kết không sử dụng vốn dự phòng của dự án mà sẽ cân đối ngân sách địa phương để thực hiện; cam kết sau khi dự án được bàn giao cho đơn vị vận hành sẽ chỉ đạo lập dự toán kinh phí trình HĐND tỉnh ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo dự án vận hành hiệu quả, đúng mục đích đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang mong muốn, bà Bente Schiller cùng các cộng sự và các bộ, ngành T.Ư ủng hộ, phối hợp với tỉnh Hà Giang hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung điều chỉnh thời gian giải ngân kế hoạch vốn…/.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN