Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông thời kỳ đổi mới
(ĐCSVN) - Tọa đàm “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới” nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của thành tựu, hạn chế, từ đó làm rõ vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông thời kỳ đổi mới.
Ngày 24/7, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới”.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp nhà nước nghiên cứu vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, cơ quan báo chí - truyền thông ở Trung ương và địa phương trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của thành tựu, hạn chế, từ đó làm rõ vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ mới.
Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tọa đàm khoa học, PGS TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng Trường khẳng định: Trải qua gần 100 năm hình thành, phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho nền báo chí- truyền thông nước nhà. Báo chí-truyền thông có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.
Tuy nhiên, bối cảnh mới của tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra rất nhiều thách thức mới cho nền báo chí-truyền thông của Việt Nam hiện nay. Tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big data, công nghệ truyền thông thế hệ mới… đang tác động và làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội. Riêng trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, đem đến sự thay đổi tổng thể và toàn diện cả về phương thức, cách thức làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí dựa trên mô hình truyền thông hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện…
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức từ những vấn đề nội tại của nền báo chí - truyền thông trong nước, như: công tác quản lý báo chí - truyền thông ở một số nơi còn lỏng lẻo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn lực còn nhiều khó khăn. Một bộ phận những người làm báo chí - truyền thông cũng như một số cơ quan báo chí - truyền thông có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật…
Tại tọa đàm, các đại biểu, nhà khoa học thống nhất: Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, kết quả của sự nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Cũng tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và nguyên nhân của những hạn chế đó; đồng thời thống nhất những vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quán triệt quan điểm, nhận thức về nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông là vấn đề có tính nguyên tắc, nhằm bảo đảm định hướng chính trị và sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí-truyền thông, bảo đảm tính khoa học và những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của báo chí-truyền thông./.