Vấn đề nhà ở tránh lũ ở miền Trung
(ĐCSVN) – 5 đợt mưa lũ kéo dài từ giữa tháng 10 đến nay đã làm miền Trung chồng chất khó khăn. Mưa lũ qua đi, việc cấp bách và lâu dài là giải pháp hỗ trợ hơn 31.000 căn nhà đã bị ngập, sập, hư hại.
Nhà sập sau mưa lũ ở Bình Định. Ảnh: news.zing.vn
5 đợt mưa lũ kéo dài từ giữa tháng 10 đến nay gây ngập trên diện rộng tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...
Lũ chồng lũ ở miền Trung đã làm 111 người chết và mất tích; 121 người bị thương; hơn 316.000 nhà bị ngập, sập, hư hại; hơn 42.800 ha lúa và 39.000 ha hoa màu bị ngập...
Chính phủ đã chỉ đạo, tập trung nguồn lực cứu dân, không để dân đói, khát, bệnh tật và sống trong cảnh “ màn trời chiếu đất”.
Vẫn biết mưa lũ năm nào cũng dồn về miền Trung là chuyện của “ông trời”, nhưng chúng ta phải có nhiều kịch bản ứng phó, đặc biệt là nhà ở tránh bão, lũ. Nếu nhà ở không an toàn, tính mạng của người dân khó được bảo trọng, nhất là khi bão, lũ đến bất ngờ vào ban đêm.
Ở nước ta, hai khu vực được quan tâm đặc biệt về lũ là Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đề án tuyến dân cư vượt lũ bằng cách làm tôn nền nhà, xây bờ bao đã bố trí được hàng chục nghìn hộ dân vào ở an toàn.
Còn miền Trung, mô hình nhà chồng lũ đã làm thí điểm 700 căn. Nhà chống lũ có 2 sàn cứng và khung bê tông từ 10-15 mét vuông. Từ thành công của việc thí điểm, ngày 28/8/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 48 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung gồm thuộc 14 tỉnh,thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, khoảng 40.000 hộ cần được hỗ trợ vốn xây nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Chính sách hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung không phải là chính sách bao cấp hoàn toàn về nhà ở nên thực hiện nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào vốn tham gia đóng góp của chính hộ gia đình.
Chính sách hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt chưa thực hiện xong, nay lại thêm khó khăn mới khi 31.000 căn nhà đã bị ngập, sập, hư hại. Mưa lũ vẫn đang đe dọa miền Trung, cuộc sống chưa ổn định, sản xuất đang ngưng trệ, hỏi rằng người dân nghèo miền Trung lấy đâu tiền để tạo dựng chỗ an cư? Khó khăn của người dân miền Trung, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, rất cần tinh thần “tương thân tương ái” của cộng đồng xã hội. Hãy chung tay vì miền Trung ruột thịt cả trước mắt và lâu dài!