Vấn đề cạnh tranh giữa taxi truyền thống và phi truyền thống!
(ĐCSVN) - Dịch vụ đưa đón khách của Uber và Grab được ví như taxi phi truyền thống đang cạnh tranh quyết liệt với taxi truyền thống. Cạnh tranh là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, nhưng phải là cạnh tranh lành mạnh, không phương hại đến lợi ích chung.
Dù chưa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận đề án thí điểm, nhưng Uber vẫn hoạt động.(Ảnh minh họa. Nguồn: viettimes.vn)
Hai năm xuất hiện tại Việt Nam, Uber và Grab đang chia thị phần với taxi truyền thống. Không ít hãng taxi truyền thống lên tiếng về biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.
Xét về bản chất, taxi truyền thống và phi truyền thống đều là hoạt động vận tải hành khách. Nhưng taxi phi truyền thống có nhiều khác biệt: Ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối bằng điện thoại thông minh trực tiếp với khách hàng nhằm giảm thời gian, giảm chi phí trung gian, giảm giá cước; taxi phi truyền thống không đeo biển, không mào xe, không sử dụng màu sơn riêng, không đồng hồ tính tiền...
Cả hai loại taxi phi truyền thống đang công khai hoạt động, nhưng Grab thì cho phép hoạt động thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh) trong thời hạn 3 năm, còn Uber đến nay vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép dù đã hai lần trình đề án thí điểm.
Lý do chưa cấp phép cho Uber được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải giải thích với báo chí: Quan điểm của Uber là họ không tham gia hoạt động vận tải mà chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm cho hoạt động vận tải. Tuy nhiên, bất cứ doanh nghiệp nào muốn hoạt động thì phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh, hiện Uber mới đăng ký "hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận” chứ chưa đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ xe vận tải hợp đồng nên cần bổ sung.
Việc Uber chưa được cấp phép mà vẫn hoạt động đang có nhiều ý kiến khác nhau. Phía ủng hộ Uber thì đưa ra “lý luận”, Uber hoạt động tương tự như Grab, có lợi cho hành khách nhờ triết lý kinh doanh mới, thì không nên phân biệt đối xử - “ thương cho ghét bỏ”. Phía phản đối thì cho rằng, Uber hoạt động theo triết lý kinh doanh nào đi chăng nữa thì bản chất vẫn là kinh doanh taxi nên phải tuân thủ luật pháp, tức là chỉ được phép hoạt động khi cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Uber đang hoạt động ở nhiều quốc gia, có quốc gia coi hình thức kinh doanh của Uber như dịch vụ cho thuê xe tư nhân trên nền tảng online, ngược lại có quốc gia coi đó là dịch vụ kết nối vận tải, nên những “tranh cãi” về mặt pháp lý và triết lý kinh doanh ở Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Chuyện kinh doanh của Uber tại Việt Nam không còn là chuyện mới, nhưng điều đáng nói là cả Uber và Bộ Giao thông Vận tải chưa tìm được tiếng nói chung, đúng - sai vẫn chưa phân định (?).
Taxi phi truyền thống cạnh tranh với taxi truyền thống là tín hiệu đáng mừng với mọi nền kinh tế, nhưng phải là cạnh tranh lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh không chỉ phụ thuộc vào chiến lược và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng cơ chế chính sách, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng./.