Văn bản chậm hướng dẫn, ai chịu trách nhiệm?
(ĐCSVN) – Thường thì các Luật, Pháp lệnh, Nghị định ra đời có hiệu lực thì các cơ quan chức năng phải ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế không phải Luật nào cũng có hướng dẫn ngay và tình trạng kéo dài này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc nhở “có những văn bản quy định chi tiết chậm hơn 2 năm vẫn chưa ban hành được nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm”.
Có những luật 3 - 4 năm sau thời điểm có hiệu lực vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết. |
Cụ thể sáng 23/11, tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Kết quả kiểm tra giám sát cho thấy, nhiều luật chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hơn 2 năm, “có những luật 3 - 4 năm sau thời điểm có hiệu lực vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết”. Báo cáo cũng cho thấy, có nhiều văn bản thậm trí có nội dung trái luật, chưa bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất.
Theo đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần phải họp với nhau để “có tiếng nói chung”, và làm kỹ hơn về số liệu các văn bản còn chậm ban hành.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật là chức năng thường xuyên của các cơ quan Quốc hội. Từ đó, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan Quốc hội rà soát lại quy chế, cụ thể hóa trách nhiệm, phân công cán bộ để tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, Tổng thư ký Quốc hội có thể có văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hướng dẫn về việc giám sát văn bản pháp luật để việc này tiến hành thường xuyên và có hiệu quả.
Đồng tình việc số liệu về các văn bản ban hành chậm cần được thống nhất lại, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải công khai hết. “Chúng ta không để tình trạng thế này được”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói; đồng thời đề nghị đưa kết quả giám sát này vào kiến nghị đối với Chính phủ trong việc chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và khắc phục các vấn đề về xây dựng văn bản pháp luật.
“Có những văn bản chậm hơn 2 năm là đúng đấy. Không sai tí nào đâu”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
“Hôm trước họp cán bộ chủ chốt các đồng chí nói, sai phạm bên ngoài giá trị tiền rất nhỏ thì phạt nọ kia. Bây giờ cơ quan nhà nước, tổ chức, cán bộ, đảng viên làm sai, ban hành văn bản trái luật, lại không chịu trách nhiệm gì thì làm sao được? Luật có rồi mà anh để hàng năm không ban hành quy định chi tiết thì trách nhiệm anh thế nào? Chẳng lẽ không chịu trách nhiệm gì chỗ này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội “không nể nang gì chuyện này cả”. “Mình cứ né, mình cứ nể nang là không có được”, ông Huệ nói và nhấn mạnh, tinh thần là Chính phủ công khai và Quốc hội cũng công khai kết quả giám sát cho các đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng.
“Mình nói chung thế là chẳng có tác dụng gì. Mà không có tác dụng gì thì thôi tốt nhất không nên làm. Tốn kém tiền của ngân sách nhà nước. Đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn, cho đàng hoàng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh và yêu cầu tiếp tục hoàn thiện báo cáo, gửi văn bản tới các đối tượng được giám sát rồi phát hành công khai. “Chả có gì phải mật hết cả”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Trước đó ngày 22/7/2020, tại buổi làm việc với 8 Bộ về tình hình xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh, tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 tháng đầu năm. Văn phòng Chính phủ cho biết đến nay, các Bộ, cơ quan còn nợ đọng 26/54 văn bản, chiếm 48,1%, tăng 8 văn bản so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, Bộ Nội vụ có 7 văn bản, Bộ Tài chính có 6 văn bản, Bộ Công an có 5 văn bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 3 văn bản, các Bộ: Công Thương, Thanh tra, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, mỗi Bộ có 1 văn bản.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan có văn bản nợ đọng thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 228, đòi hỏi phải rất quyết liệt và khẩn trương. Các khó khăn, vướng mắc, nêu rõ giải pháp khắc phục và cam kết thời gian hoàn thành. Ngoài các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nguyên nhân chủ quan cũng được các Bộ nêu ra. Đặc biệt xử lý, trách nhiệm cụ thể của các cán bộ, đơn vị cơ quan để nợ đọng văn bản do lỗi chủ quan trong việc trình chậm so với yêu cầu. Khắc phục tình trạng một luật, pháp lệnh nhưng ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn, các văn bản lại do các vụ, cục, đơn vị khác nhau chủ trì xây dựng. Đây cũng là một lý do khiến việc ban hành các văn bản hướng dẫn kéo dài thời gian, nội dung chồng chéo, gây vướng mắc.
Có thể nói chậm trễ trong trong việc ban hành văn bản hướng dẫn đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở chỉ ra từ lâu và thường xuyên, tuy nhiên mức độ chuyển biến còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Và một lần nữa để giải quyết vấn đề này người đứng đầu Quốc hội đã thể hiện rõ quan điểm là xử lý kiên quyết, làm đến cùng, quy trách nhiệm. “không nể nang gì chuyện này cả”. “Mình cứ né, mình cứ nể nang là không có được”, “Mình nói chung thế là chẳng có tác dụng gì. Mà không có tác dụng gì thì thôi tốt nhất không nên làm. Tốn kém tiền của ngân sách nhà nước. Đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn, cho đàng hoàng”, “Chả có gì phải mật hết cả”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.