Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vài suy nghĩ về xét tuyển vào các trường sư phạm

Thứ Sáu, 11/08/2017 17:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm gần đây, đặc biệt trong kỳ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, có một số ngành đào tạo của các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm có điểm chuẩn khá thấp. Điều đó đã dấy lên trong dư luận xã hội nỗi lo lắng về một thế hệ giáo viên trong tương lai không đáp ứng được yêu cầu giáo dục

 (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Đạt 3 – 5 điểm thi/môn cũng có thể thành… thầy!

Nếu nhìn vào thông báo điểm trúng tuyển của các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm thì có thể thấy, năm nay, ngoài một số ngành đào tạo vẫn giữ nguyên mức điểm hoặc cao hơn so với năm 2016 thì một số ngành như: Thể dục, tin học, công nghệ, giáo dục quốc phòng - an ninh, mầm non, các ngành đào tạo giáo viên hệ cao đẳng sư phạm…có điểm xét trúng tuyển khá thấp. Các ngành này tại các trường đại học sư phạm thường dao động từ 15- 18 điểm, chưa tính chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung. Còn hệ đào tạo cao đẳng sư phạm hay các trường cao đẳng sư phạm thì điểm đầu vào thấp hơn nhiều. Có trường với tất cả các ngành đào tạo chỉ ở mức 10 - 10.5 điểm là trúng tuyển, có trường cao hơn chỉ với mức 12 - 13 điểm, ít ngành vượt quá 15 điểm.

Như vậy, nhìn vào mức điểm trúng tuyển của các trường sư phạm trong thời điểm này thì với một thí sinh học bình thường cũng có thể dễ dàng trúng tuyển vào một ngành đào tạo đại học với điểm bình quân mỗi môn xấp xỉ 5.0 điểm, cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích. Còn tại các trường cao đẳng sư phạm thì có trường, thí sinh chỉ cần đạt 3.0 điểm/môn, cộng với điểm ưu tiên khu vực là có thể trúng tuyển. Thậm chí, có trường vẫn dành một lượng chỉ tiêu nhất định để xét tuyển qua điểm học bạ...

Ngọn nguồn do đâu?

Cách đây khoảng 15 năm, để trúng tuyển vào các trường đại học như: Đại học Sư phạm (ĐHSP) 1 Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP Thái Nguyên…, thí sinh phải đạt từ 8.0 điểm/môn, thấp hơn thì phải đạt từ 7.0 - 7.5/môn, tổng điểm 3 môn dự thi phải đạt trên 20 điểm mới có cơ hội trúng tuyển. Còn các trường cao đẳng sư phạm các tỉnh thì điểm trúng tuyển có khi còn cao hơn nhiều vì do chỉ tiêu đào tạo ít. Có trường, mỗi huyện chỉ tuyển 02 thí sinh/ngành đào tạo, xét điểm và tuyển từ cao xuống thấp. Còn hiện nay...

Chúng ta sẽ không khỏi thắc mắc, vậy nguyên nhân nào dẫn đến điểm đầu vào của một số ngành học các trường sư phạm thấp như vậy?

Đầu tiên, phải nói đến việc mở rộng quy mô đào tạo của các trường sư phạm, cả đại học và cao đẳng. Với phương châm, mở rộng quy mô đào tạo theo hình thức đa ngành được các nhà trường chú trọng trong những năm gần đây, hầu hết các ngành đào tạo tại các trường sư phạm về cơ bản là giống nhau. Vì thế, thí sinh sẽ có cơ hội được lựa chọn đăng kí ngành học ở nhiều trường sư phạm. Điều đó tạo ra một sức hút đồng loạt đối với các ngành đào tạo tại các trường.

Đồng thời, đối với nhiều trường sư phạm thì những năm gần đây có mở thêm một số ngành đào tạo mới để hoàn chỉnh hệ thống ngành đào tạo giáo viên, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhà trường phổ thông. Không những vậy, hệ đào tạo cử nhân ngoài sư phạm, Việt Nam học, Xã hội học…hiện cũng được nhiều trường đại học mở thêm. Vì thế, trong thời gian đầu, để tạo sức hút cho mã ngành mới, nhiều trường đã đặt ra mức điểm trúng tuyển ở mức khiêm tốn để tạo điều kiện cho thí sinh đạt được sự lựa chọn của mình.

Trong những năm gần đây, với hệ thống đào tạo đa ngành của các trường đại học sư phạm, sự nâng cấp của các trường cao đẳng tỉnh lên đại học đa ngành đã tạo sức hút và điều kiện để thí sinh các vùng có cơ hội học đại học. Như thế, các trường cao đẳng sư phạm địa phương sẽ rất khó tuyển sinh, số thí sinh trên địa bàn đăng ký xét tuyển vào trường cao đẳng ngày càng ít đi. Vì thế, nếu không hạ điểm đầu vào, chắc chắn sẽ chỉ tuyển được một số lượng rất ít.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn vào mặt bằng chung của các trường sư phạm, không phải ngành nào cũng có điểm trúng tuyển thấp như dư luận đang quan tâm, mà những ngành đào tạo các môn khoa học cơ bản vẫn luôn giữ ở mức cao, thậm chí có ngành còn cao hơn những năm trước. Chỉ có một số ngành mới mở, theo đặc thù bộ môn thì điểm chuẩn mới “hạ nhiệt” hơn.

Việc điểm trúng tuyển một số ngành đào tạo các trường sư phạm thấp sẽ tạo ra hai hiệu ứng trái ngược nhau.

Một mặt, điểm trúng tuyển thấp ở một số ngành đào tạo sẽ tạo cơ hội cho những học sinh có lực học trung bình khá, khá, có điểm thi THPT Quốc gia ở ngưỡng trung bình có cơ hội được học tập và đào tạo nghề. Đồng thời, điểm trúng tuyển thấp sẽ tạo cơ hội cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc tộc thiểu số ít người, vùng đặc biệt khó khăn được đào tạo nghề sư phạm để quay trở lại phục vụ công tác giáo dục cho quê hương mình.

Bên cạnh đó, điểm trúng tuyển thấp ở một số ngành đào tạo của các trường sư phạm sẽ khiến cho dư luận xã hội không khỏi lo lắng về đội ngũ giáo viên chất lượng thấp trong tương lai - những người sẽ quyết định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Điểm đầu vào thấp sẽ đồng nghĩa với việc tuyển vào một lớp sinh viên có nền tảng kiến thức thấp hơn so với các ngành khác. Điều đó, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.

Giải pháp nào?

Từ thực tế trên, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về điểm chuẩn và thực chất của công tác đào tạo tại các trường sư phạm để hiểu vấn đề được thấu đáo hơn, tránh những lo lắng mang tính tiêu cực của dư luận xã hội về bức tranh tổng thể trong công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường sư phạm giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, chúng ta cần nhận thức được, điểm đầu vào không đóng vai trò quyết định tổng thể chất lượng của quá trình đào tạo và sản phẩm đầu ra của các trường sư phạm trước đây cũng như hiện nay. Điểm đầu vào rất quan trọng đối với chất lượng tuyển sinh, nhưng chỉ là một tiêu chí để đánh giá, quyết định chất lượng đầu ra. Biết rằng, những sinh viên có điểm đầu vào thấp thì đương nhiên, kiến thức nền tảng, khả năng tiếp thu kiến thức mới, ý thức rèn luyện, rèn nghề nhìn chung cũng kém hơn những sinh viên có điểm đầu vào cao hơn. Chất lượng đầu ra của các ngành đào tạo phụ thuộc khá nhiều vào quá trình đào tạo, vào sự nỗ lực không ngừng, ý thức phấn đấu của mỗi sinh viên. Mặt khác, nề nếp, chất lượng đào tạo, kỷ cương nhà trường, điều kiện cơ sở vật chất để tạo cho sinh viên một môi trường học tập tốt, rèn luyện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập, đào tạo nghề của sinh viên sư phạm.

Thứ hai, trên cơ sở điểm trúng tuyển của các trường sư phạm, chúng ta cần nhận thấy, số sinh viên có điểm bằng hoặc lớn hơn một chút so với điểm chuẩn sẽ chiếm tỷ lệ rất thấp. Bên cạnh số ít thí sinh có điểm thấp thì tỷ lệ thí sinh có điểm cao, trên ngưỡng điểm trúng tuyển luôn ở mức cao. Như thế, nhìn vào mặt bằng chung trong ngành đào tạo, đã có sự phân hóa rõ ràng về chất lượng để khi được tuyển vào, mỗi sinh viên sẽ có động lực để cố gắng học tập và rèn luyện.

Để khắc phục chất lượng đầu vào thấp của một số ngành các trường sư phạm, để có một sản phẩm đầu ra đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn giáo dục hiện nay, cần có những giải pháp cụ thể đối với các trường sư phạm, bản thân mỗi sinh viên và các địa phương.

Đối với các trường sư phạm, sau khi tuyển sinh, cần có kế hoạch khảo sát chất lượng sinh viên để có biện pháp phân loại, bồi dưỡng kiến thức cho sinh viên. Đồng thời, trong quá trình đào tạo, cần rà soát sau mỗi kỳ kiểm tra, đánh giá để có biện pháp giúp đỡ những sinh viên chậm tiến hoặc thanh lọc những sinh viên không đủ khả năng học tập. Khi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, các trường sư phạm cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra cho từng ngành học, áp dụng với toàn thể sinh viên trong ngành đó thông qua sát hạch nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, ứng với nhu cầu thực tiễn của giáo dục phổ thông. Bởi, nếu khâu đánh giá, sát hạch chuẩn đầu ra tốt, đáp ứng được yêu cầu giáo dục phổ thông thì sẽ được xã hội chấp nhận.

Trong quá trình đào tạo, mỗi nhà trường cần không ngừng đổi mới công tác quản lý nề nếp, chất lượng đào tạo, kỷ cương nhà trường, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất để tạo cho sinh viên một môi trường học tập tốt, rèn luyện tốt. Hằng năm, nếu ngành đào tạo nào có sinh viên đã tốt nghiệp, cần khảo sát thực tế tỷ lệ sinh viên có việc làm và khả năng làm việc của sinh viên tại các địa phương để có những giải pháp hữu hiệu hơn trong quá trình đào tạo các lớp sinh viên tiếp theo.

Đối với mỗi sinh viên khi được tuyển vào các trường sư phạm, dù ở ngành nào, mức điểm nào cần có nhận thức sâu sắc về nghề nghiệp cao quý mà mình đã lựa chọn - trồng người. Từ đó, mỗi sinh viên cần có ý thức rèn luyện và học tập tốt để bổ sung những phần còn thiếu, còn yếu, củng cố và làm vững chắc thêm tri thức nền tảng của bản thân, nỗ lực, phấn đấu đạt chất lượng cao trong quá trình học tập.

Đối với các địa phương, từ sản phẩm đầu ra của các trường sư phạm, trong quá trình tuyển dụng, hội đồng tuyển dụng của UBND, sở, ngành liên quan cần tiến hành một cách đúng quy định, chặt chẽ về các nội dung thi, xét tuyển để đảm bảo tuyển được những giáo viên có đủ đức, đủ tài, có nghiệp vụ sư phạm tốt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn giáo dục ở nhà trường phổ thông hiện nay. Trong quá trình công tác, các nhà trường, các sở, phòng giáo dục cần thường xuyên rà soát trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại hoặc tinh giản biên chế theo đúng quy định.  

Để công tác tuyển sinh năm 2018 và những năm tiếp theo của các trường sư phạm được đảm bảo về chất lượng đầu vào, thiết nghĩ, các nhà trường cần có giải pháp để nâng cao điểm tuyển đầu vào. Cần đánh giá, rà soát tính khả thi, nhu cầu nhân lực của đội ngũ giáo viên các địa phương và khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành đào tạo để tập trung nâng cao chất lượng từ khâu tuyển vào, quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Trong quá trình tuyển sinh, với các ngành đào tạo các môn năng khiếu, thể thao, tin học, mầm non…, các trường sư phạm cần đưa vào và đánh giá chặt chẽ các tiêu chí kèm theo bằng các môn thi năng khiếu để xác định khả năng của thí sinh đối với môn mà bản thân lựa chọn đào tạo./.

Nguyễn Thế Lượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN