Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ưu tiên chọn học nghề

Chủ Nhật, 25/09/2022 10:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Học nghề đang là lựa chọn được nhiều bạn trẻ ưu tiên trong mùa tuyển sinh năm nay. Điều này vừa là sự chuyển dịch phù hợp với xu thế vận động của nền kinh tế, đồng thời cũng phản ánh những thay đổi theo hướng tích cực trong cách nhìn nhận, lựa chọn định hướng nghề nghiệp của học sinh…

Với 28 điểm tổ hợp C00, việc Bùi Văn Thành ở thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) không xét tuyển đại học, nộp hồ sơ để theo học tại Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ đã khiến không ít bạn bè và hàng xóm ngạc nhiên. Bởi với số điểm đó, Thành hoàn toàn có thể đỗ nhiều đại học ở Hà Nội. Tuy nhiên, từ trước khi có kết quả thi Tốt nghiệp THPT, Thành đã dành thời gian tìm hiểu về các trường đại học, cao đẳng và cơ hội việc làm sau khi ra trường của các ngành, nghề đào tạo. Bố mẹ làm nông nghiệp nên yếu tố chi phí học tập cũng chi phối đến việc chọn trường của Thành. Sau khi tìm hiểu và được sự tư vấn của người anh họ, Thành quyết định nộp hồ sơ xét tuyển học ngành Điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ. Với tổng điểm học bạ ở bậc THPT ba môn Toán - Hoá - Sinh (tổ hợp B00) 23,6, Thành nhận được giấy báo trúng tuyển. "Thời gian học Điều dưỡng hệ cao đẳng chỉ ba năm, học phí theo quy định; Nhà trường còn hợp tác với nhiều công ty đào tạo tiếng miễn phí để sinh viên có cơ hội học tập và làm việc tại các nước như Nhật, Đức, Hàn Quốc sau tốt nghiệp, nên em quyết định theo học ngành Điều dưỡng”, Bùi Văn Thành chia sẻ.

Học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp đang được nhiều bạn trẻ ưu tiên lựa chọn. (Ảnh: Văn Giang). 

Tương tự như Thành, bạn Lê Văn Quang ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào chuyên ngành Cơ điện tử của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dù đạt 26,1 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Lý giải về lựa chọn của mình, Quang cho biết: “Nhà em có ba anh em đều đang đi học; bố mẹ lại làm nông nên em chọn học cao đẳng nghề có học phí thấp hơn, lại nhanh tốt nghiệp để được đi làm. Học đại học thì thời gian lâu, học phí cao nên bố mẹ sẽ phải vất vả hơn để lo chi phí học hành. Em tìm hiểu và suy nghĩ rất kỹ, thấy nhiều người không học đại học nhưng nếu nỗ lực thì vẫn có được thành công. Bây giờ học cao đẳng dễ tìm việc, ngành Cơ điện tử em chọn cũng đang cần nhiều lao động nên em hoàn toàn yên tâm với lựa chọn của mình".

Thực tế, Bùi Văn Thành và Lê Văn Quang chỉ là hai trong số rất nhiều bạn trẻ có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng đã chủ động chọn học các trường nghề (cao đẳng, trung cấp). Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 320.000 thí sinh không tham gia đăng ký xét tuyển đại học năm nay. Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra, trong đó có việc thí sinh chuyển hướng sang lựa chọn học nghề. Số liệu của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (đơn vị quản lý các trường cao đẳng, trung cấp) cũng cho thấy, đến hết tháng 8/2022, các trường tuyển được gần 163.000 sinh viên. Trong số này, nhiều em có kết quả thi tốt nghiệp THPT khá cao.

Trao đổi về vấn đề nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng việc một bộ phận thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng lại đăng ký vào học các trường cao đẳng, trung cấp nghề đang dần trở thành một xu thế. Nguyên nhân là do cơ chế đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em; nhiều ngành nghề, sau khi ra trường, người học có thể có việc làm luôn với mức lương cao. Bên cạnh đó, công tác truyền thông tuyển sinh của hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề những năm gần đây đã có nhiều đổi mới, theo hướng cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo nghề còn đưa ra những cơ chế như cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp (nếu không có việc làm, cơ sở sẽ trả lại học phí cho người học); cam kết hỗ trợ người học xuất khẩu lao động theo nhu cầu, do nhà trường thiết lập; cam kết về quá trình học tại trường sẽ được các doanh nghiệp khảo sát, thẩm định và ký hợp đồng tuyển dụng… Từ đó đã tạo nên sức hút và củng cố niềm tin ở người học.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Nguyệt Anh). 

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thí sinh chủ động chọn học nghề là xu hướng tốt. Bởi chọn học cao đẳng hoặc trung cấp nghề là các em đã có suy nghĩ thực tế hơn. Vào đại học là một sự lựa chọn, nhưng không phải trường nào cũng có thể cung cấp kiến thức, kỹ năng đạt chất lượng tốt. Trong khi đó, chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được nâng cao; nhiều trường đã kiểm định trong nước và quốc tế, được doanh nghiệp đánh giá cao. Do đó, một tỷ lệ lớn sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay theo đúng ngành nghề đào tạo.

Mặt khác, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp đang ngày càng trở lên phong phú. Thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề "không thấp", đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực như Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Cơ điện tử...

Tiếp cận từ góc độ tâm lý xã hội, việc ngày càng nhiều em đăng ký học nghề dù điểm thi có thể đỗ vào các trường đại học cũng cho thấy sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ của một bộ phận thí sinh và phụ huynh. Tâm lý “sính” đại học, coi đại học là “con đường duy nhất” để vào đời đã không còn quá nặng nề. Thực tế chỉ ra, nếu được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp thì sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng sẽ sở hữu cơ hội việc làm và khả năng thành công không hề nhỏ.

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều bạn trẻ đã ưu tiên chọn học nghề thay vì học đại học. Để thực sự là “lựa chọn tin cậy” của thí sinh và phụ huynh, thiết nghĩ các trường trung cấp, cao đẳng nghề cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; thực hiện tốt phương châm “gắn nhà trường với doanh nghiệp”, nâng cao tính thực tiễn trong quá trình đào tạo; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để gia tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp… Từ đó hướng đến mô hình đào tạo trong thời gian ngắn (không quá ba năm) nhưng chất lượng và bảo đảm phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động./.

Phạm Như Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN