“Uống nước nhớ nguồn” - Trách nhiệm và nghĩa tình
(ĐCSVN) - Đã thành thông lệ cứ đến ngày 27/7 hàng năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta… lại thành kính tri ân thương binh, liệt sĩ…, những người có công với cách mạng bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa cả vật chất và tinh thần thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc.
Theo thống kê, toàn quốc đến nay đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ. |
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước thương nòi, với ý chí kiên cường bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã đem cả máu xương, công sức, của cải của mình để gìn giữ độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.
Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc vì nền độc lập - tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi…, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam".
Theo thống kê, toàn quốc đến nay đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ; gần 500.000 thân nhân liệt sỹ; trên 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh... Với truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hiện cả nước có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Với lòng biết ơn vô hạn, đặc biệt cứ đến dịp 27/7 hàng năm, cả nước lại kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, những người có công với cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc.
Thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" nhiều năm qua Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đơn vị, cá nhân....đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực "đền ơn, đáp nghĩa" với những gia đình và cá nhân có công với cách mạng. |
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đối với người có công với nước đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân đã tự nguyện vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, "Tổ thương binh tình nghĩa", "Đi tìm đồng đội", "Xã phường làm tốt công tác chăm sóc người có công" v.v..., đã mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực.
Cứ đến tháng Bảy hàng năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lại tổ chức thăm hỏi, tặng quà và tham dự nhiều hoạt động kỷ niệm, tri ân những người có công với cách mạng. Các địa phương đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng trong công tác chăm sóc người có công. Năm nay Chủ tịch nước đã ký tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%. Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ qua.
Để hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, với hơn 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho gần 40 vạn hộ người có công với cách mạng, đồng thời đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 với dự kiến trên 16,2 vạn hộ, kinh phí khoảng 7 ngàn tỷ đồng.
Càng ngày các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Các công trình ghi công liệt sỹ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sỹ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sỹ. Tiến hành chuẩn hóa thông tin bia mộ liệt sỹ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20 ngàn bia mộ đang ghi "Liệt sỹ vô danh", đến nay trong cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin” theo quy định…
Những kết quả mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, phần nào đã góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài những kết quả thiết thực đạt được nêu trên, những hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" còn mang ý nghĩa chính trị - xã hội và giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước thương nòi và đời đời nhớ ơn các thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nước, vì dân.
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với những người, những gia đình có công với nước. Những kết quả “Uống nước nhớ nguồn” hôm nay có thể chưa được như kỳ vọng nhưng nó phần nào đã thể hiện và khẳng trách nhiệm lớn lao,nghĩa tình sâu nặng của toàn Đảng,toàn dân và toàn quân ta đối với công tác đền ơn, đáp nghĩa của dân tộc.