Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ước mơ có con đường nối nóc với thôn và xã

Thứ Năm, 12/09/2019 08:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Dù có nhiều khó khăn, nhưng qua những ngày gắn bó với các em nhỏ là học sinh thân yêu được sự chia sẻ, động viên của các cấp chính quyền, đồng bào địa phương đã cho chúng tôi những trải nghiệm, thấy được ý nghĩa trong sự nghiệp “gieo chữ” nơi vùng cao khó khăn...

Đó là những tâm sự hết sức chân chất, giản dị của 2 cô giáo trẻ Trà Thị Thu và Riah Uối với phóng viên ngay tại ngôi trường mà 2 cô đang dạy (thuộc nóc Tắk Pổ, thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) những ngày đầu của năm học mới này.


Cô giáo Trà Thị Thu đang chỉ bảo,
hướng dẫn học trò của mình bài tập trong buổi học phụ đạo

Vượt hơn 2 giờ 30 phút leo núi

Những ngày đầu năm học mới 2019- 2020 này, trên mạng xã hội facebook lan truyền hình ảnh một cô giáo trẻ và các học sinh trong ngày khai giảng ở một ngôi trường nhỏ nằm bên dãy Ngọc Linh hùng vĩ, khiến cộng đồng mạng hết sức quan tâm.

Trong số những tấm ảnh này, nổi bật là hình ảnh cô giáo tay dắt các học trò của mình băng qua những quả đồi để đến trường. Cùng với đó, một hình ảnh khác cũng hết sức xúc động là buổi khai giảng năm học mới chỉ có 2 cô giáo cùng 34 học sinh đồng bào Ca Dong với nhiều lứa tuổi và 01 vị đại biểu duy nhất đến dự là ông Trưởng thôn.

Sau khi nhìn thấy những tấm ảnh này, phóng viên đã quyết định trực tiếp đến ngôi trường này để tận mặt chứng kiến thực hư thế nào. Từ Đà Nẵng, vượt chặng đường 200km bằng ô tô, phóng viên đến trung tâm huyện Nam Trà My. Từ đây thuê xe máy đi tiếp hơn 20km trên con đường bê tông để đến thôn 1 xã Trà Tập. Tuy nhiên, chặng đường còn lại là từ thôn 1 lên nóc Tắk Pổ (có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển)- nơi có điểm trường mà cô và trò vừa mới xuất hiện trên mạng mấy ngày đầy năm học này mới là nơi phóng viên cần đến.

Gửi xe lại một cửa hàng tạp hóa nhỏ cuối con đường bê tông, phóng viên được người dân dặn là nên tìm đoạn cây làm gậy chống để leo núi, đồng thời phải mang theo nước uống vì đường cheo leo, dốc đứng cao rất khó đi.

Từ chân đồi nhìn lên, nóc Tắk Pổ ở ngọn đỉnh núi cao khá xa phía trước. Phóng viên đi theo một con đường mòn nhỏ, men qua rất nhiều đồi núi, cây rừng và qua 2 con suối,. Sau hơn 2 giờ 30 phút, phóng viên đã lên đến đỉnh, nơi có nhiều nhà dân và điểm trường cần đến. Điều đáng nói là đường đi một bên vực thẳm, một bên là núi và con đường nòn đầy rẫy những đá và bụi cây rất khó đi. Nhiều đoạn đất đá trơn rất dễ trượt ngã rất nguy hiểm.

Vì đường quá khó đi, nguy hiểm và nhiều đoạn dốc đứng nên phóng viên có có ý định quay về, song lại nghĩ: Đường khó đi thế này mà cô giáo đi được, sao mình không đi. Chính suy nghĩ ấy đã thôi thúc phóng viên tiếp tục leo núi để đến nơi.

Con đường lên nóc Tắ k Pổ mà phóng viên phải leo núi hơn 2 giờ 30 phút mới tới nơi.

Nơi những con chữ được “gieo”

Vừa đến nơi, thấy có người lạ, các em nhỏ đưa mắt nhìn như dò xét. Quan sát một vòng, ghi nhận đầu tiên của phóng viên, đỉnh đồi là một bình nguyên rộng chừng hơn 3,5 ha với những quả đồi nhỏ. Tại đây có khoảng 35 nóc nhà và 100% đều là đồng bào Ca Dong sinh sống. Người dân nơi đây chủ yếu dựa vào kinh tế nương rẫy nên đời sống rất khó khăn. Ngay bên cạnh khu vực dân cư là một quả đồi có điểm trường Tắk Pổ tọa lạc. Điểm trường trông chẳng khác một ngôi nhà, có 02 gian với 03 phòng (trong đó có 01 phòng ở, 02 phòng học) và 01 nhà vệ sinh. Phía trước là sân trường - nơi các học sinh vui chơi mỗi ngày khi đến lớp.

Sau khi biết ý định của phóng viên muốn tìm hiểu về ngôi trường và tình hình dạy và học tại đây, cô giáo Trà Thị Thu (sinh năm 1994) cười và khẽ nói, mấy ngày nay em liên tục nhận được điện thoại và tin nhắc hỏi thăm của nhiều người, trong đó có những anh chị nhà báo nữa. Ai cũng hỏi thăm điều kiện học tập của các cháu cả.

“Đây là một điểm trường chứ không phải là trường và cũng chỉ là một trong nhiều điểm trường của Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập. Hiện tại điểm trường này có 34 học sinh là con em của đồng bào Ca Dong địa phương theo học. Các em được chia thành 2 nhóm lớp ghép 1 và 2, còn gọi là nhóm lớp trình độ 1 và nhóm lớp trình độ 2, với sĩ số một lớp 6 em, tổng cộng là 12 em. Ngoài ra, tại đây còn có 22 em mầm non có tuổi từ 3 đến 5 tuồi. Việc học của các em ở đây được chia thành 2 buổi, trong đó học chính là buổi sáng, buổi chiều sẽ phụ đạo thêm để các em nắm vững bài”- cô giáo Trà Thị Thu chia sẻ.

 

Cô Uối với các học trò mầm non của mình trong buổi học dạy hát


Thông tin thêm về tình hình, điều kiện học tập của các em ở đây, cô Thu cho biết thêm, so với thời gian các năm trước, hiện nay đồng bào ở đây đã ý thức cao hơn đến việc học tập của con em mình. Vì thế, hầu hết các em nhỏ đây đều được bà con cho đi học. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có một số trường hợp do nhiều lý do mà có những em nghỉ học. Và như thế là các cô lại đến tận nhà vận động để các em tiếp tục đến lớp.

“Với sĩ số không đông và có các độ tuổi khác nhau nên hiện lớp của em phải chia thành 2 nhóm lớp (nhóm lớn trình độ 1 và nhóm lớp trình độ 2) cùng học chung trong 01 phòng. Vì diện tích phòng học không lớn nên cũng có những bất tiện nhất định, song các em đã quen rồi và giáo viên cũng có giải pháp riêng của mình để giúp các em học tập thuận lợi nhất”- cô Thu cho biết.

Trong khi đó, cô giáo Riah Uối (sinh năm 1996) cho biết, lớp mầm non do cô phụ trách có 22 em, độ tuổi từ 3 đến 5 nên khi dạy các cháu, giáo viên cũng phải có cách dạy riêng để phù hợp với tâm lý lứa tuổi này. Chẳng hạn, với trẻ 3 tuổi, chủ yếu là giúp các cháu tập làm quen với các vật dụng học tập, các trò chơi; với trẻ 4 tuổi dạy các nhận biết, làm quen với chữ và số cũng như biết đồ chơi học tập; trẻ 5 tuổi, các cháu cần được dạy để biết chữ cái và số từ 01 đến 10, tập cầm bút…“Thực ra việc dạy học cho các cháu không khó, vấn đề là mình biết cách dạy cho phù hợp với điều kiện ở đây. Bởi đa số là con em đồng bào Ca Dong, nên việc tập giúp các cháu biết tiếng Việt phải thực hiện từng bước, kết hợp cả việc dạy và hướng dẫn các cháu chơi các trò chơi để làm quen”- cô giáo Riah Uối cho biết thêm.

Chia sẻ thêm tình hình dạy và học tại đây, trưởng thôn 1 xã Trà Tập Hồ Văn Hiếu cho biết, ngoài điểm trường Tắk Phổ, thôn 1 chúng tôi còn có nhiều điểm trường xa trung tâm và nằm trên núi cao như thế này. Điều đó khiến các cháu nhỏ khó tiếp xúc với nhiều người, nhiều cháu rất nhút nhát, ban đầu không chịu đi học. Tuy nhiên, chính sự có mặt của các cô, các thầy từ dưới đồng bằng lên đã giúp con chữ đến với con em của dân làng. Các cô như cô Thu và một số cô giáo, thầy giao trước đây (giờ đã chuyển sang điểm trường khác-PV) đã đến động viên dân làng, kêu gọi các cháu nhỏ đến lớp và dạy các cháu biết được cái chữ. Cả làng ai cũng quý mến và biết ơn việc “gieo chữ” của các cô ”- ông Hồ Văn Hiếu chia sẻ.

Ước mơ có con đường nối nóc với thôn và xã

Trong tâm sự, chia sẻ về những vất vả, thiếu thốn các cô giáo cho biết, mình không quan tâm nhiều đến sự khó khăn, thiếu thốn của bản thân mà chỉ mong các cháu có điều kiện để học tập mới là quan trọng. Theo lời cô Trà Thị Thu, quê cô ở dưới huyện đồng bằng (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình), cô đã lên đây dạy học được 5 năm nhưng đây là năm học đầu tiên cô về phụ trách điểm trường Tắk Pổ này. Các năm trước cô được phân công dạy học các điểm trường Nóc Tu Da  thuộc thôn 2 (2015-2016), Nóc Ranh Dí thuộc thôn 4 (2016-2017), Nóc Mô Rỗi thuộc thôn 1 (2018-2019) và năm học này lại về đây. Dù ở điểm trường nào cũng có điểm chung là con em đồng bào, đời sống kinh tế khó khăn, điều kiện trường lớp thiếu thốn nhưng các em đều chăm học, trời nắng hay mưa các cháu đều đến trường.

“Trước đây, một số điểm trường ở các nóc cao của xã Trà Tập điều kiện phòng học, bàn ghế thiếu thốn, khó khăn. Gần đây, từ đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương, sự quan tâm của xã hội, các điểm trường về cơ bản hiện cơ sở vật chất khá khang trang, đầy đủ. Riêng điểm trương Tắk Pổ này, cách đây 2 năm, thông qua câu lạc bộ “Vòng tay kết nối” của huyện, các mạnh thường quân từ TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại nên các cháu có điều kiện học tập tốt hơn.  Hiện cả 2 phòng học đều đã được làm lại, dù bằng cây gỗ và lợp tôn nhưng khá vững chắc; số lượng bàn ghế cũng vừa đủ để các cháu học tâp”- cô Thu cho biết thêm.

Một buổi học của lớp ghép trình độ 1 và trình độ 2 do cô giáo Trà Thị Thu đứng lớp.

“Cùng với sửa lại trường, các mạnh thường quân cũng tặng một bộ năng lượng điện mặt trời đủ đáp ứng việc học tập của các cháu và sinh hoạt của giáo viên. Tuy nhiên, qua các tháng hè không được vận hành, lại bị sét đánh nên hệ thống điện này bị hỏng, hiện đã gửi đi TP.Hồ Chí Minh để bảo trì, sửa chữa. Các cô giáo ngoài có sách báo từ xã và phòng Giáo dục gửi về, các mạnh thường quân cũng tặng 1 ti vi giúp các cô giải trí và theo dõi thời sự nên cũng đỡ nhớ nhà”- cô Thu chia sẻ và nói thêm: Đồng nghiệp của mình là cô Uối cũng không phải là người địa phương này. Cô là dân tộc Cơ Tu, xã Chơ Chol (huyện Nam Giang, Quảng Nam), nhà cách đây 200 km. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non, cô Uối cũng xin về đây dạy học được 1 năm nay. “Do chưa có gia đình riêng nên cả 2 chúng tôi có thời gian để dành cho các cháu. Hiện chúng tôi chỉ mơ ước có một con đường nối từ nóc Tắk Pổ về thôn với xã để việc đi lại đỡ vất vã. Nếu có được con đường này, bà con ở đây cũng dễ dàng giao lưu với xã và huyện, các cháu cũng có thêm điều kiện để trau dồi kiến thức, tầm nhìn...”- cô Thu chia sẻ.

Trước khi chia tay hai cô giáo ở điểm trường vùng cao này, phóng viên còn được ông Hồ Văn Hiếu, trưởng thôn 1, xã Trà Tập cho hay, vì đường khó đi nên các cô ít về dưới quê và cũng ít đi chợ. Nếu bà con trên này ai xuống chợ, các cô gửi mua ít thức ăn, hoặc bà con có bó rau, củ sắn… đều mang đến tặng các cô. Cả nóc ai cũng mong các cô tiếp tục cắm nóc, bám trường để con em bà con có thêm cái chữ./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN