UNODC: 35 triệu người bị các rối loạn liên quan tới ma túy
(ĐCSVN) – Báo cáo mới nhất vừa được Văn phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) công bố cho thấy, nhiều nghiên cứu và dữ liệu chi tiết hơn đã chứng minh rằng, những hậu quả bất lợi do sử dụng ma túy gây ra đối với sức khỏe ngày càng nghiêm trọng và phổ biến hơn so với suy nghĩ trước đây.
Theo báo cáo, khoảng 35 triệu người trên thế giới đang có những rối loạn liên quan đến sử dụng ma túy và đang cần điều trị.
Ông Yury Fedotov, Giám đốc điều hành của UNODC cho biết: "Những phát hiện của Báo cáo toàn cầu về ma túy năm nay làm phức tạp thêm bức tranh toàn cầu về các vấn đề liên quan đến ma túy, nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác quốc tế rộng hơn để thúc đẩy các phản ứng cân bằng và thích hợp với cung và cầu về mặt y tế và pháp luật hình sự".
Báo cáo ước tính rằng có 53 triệu người dùng opioid, nhiều hơn 56% so với ước tính trước đó. Opioids chịu trách nhiệm gây ra 2/3 trong số 585.000 ca tử vong liên quan đến ma túy trong năm 2017. Trên toàn cầu, 11 triệu người tiêm chích ma túy trong năm 2017, 1,4 triệu người đang sống chung với HIV và 5,6 triệu người bị viêm gan C.
Những ước tính cao hơn cho năm 2017 là kết quả của sự hiểu biết tốt hơn về mức độ sử dụng ma túy nhờ các cuộc khảo sát mới được thực hiện ở Ấn Độ và Nigeria, hai trong số 10 quốc gia đông dân nhất thế giới.
Gia tăng mức độ nghiêm trọng và phức tạp của tình hình ma túy toàn cầu
Vào năm 2017, ước tính có khoảng 271 triệu người, tương đương 5,5% dân số thế giới từ 15 – 64 tuổi, đã sử dụng ma túy. Mặc dù ước tính này tương tự như năm 2016, nhưng viễn cảnh dài hạn hơn cho thấy số người sử dụng ma túy hiện cao hơn 30% so với năm 2009.
Mặc dù tình trạng gia tăng này một phần là do sự gia tăng 10% dân số toàn cầu trong độ tuổi từ 15 – 64, nhưng dữ liệu hiện cho thấy tỷ lệ sử dụng opioid cao hơn ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, và sử dụng cần sa ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Á so với trong năm 2009.
Theo đánh giá, sản xuất cocaine bất hợp pháp toàn cầu ước tính đã đạt mức kỷ lục 1.976 tấn trong năm 2017, cao hơn 25% so với năm trước. Đồng thời, lượng cocaine toàn cầu thu giữ trong năm 2017 đã tăng 13% lên 1.275 tấn, số lượng lớn nhất từng được ghi nhận.
Cuộc khủng hoảng quá liều opioid tổng hợp ở Bắc Mỹ cũng lên đến mức cao mới trong năm 2017, với hơn 47.000 ca tử vong do quá liều opioid ở Mỹ, tăng 13% so với năm trước, và 4.000 ca tử vong liên quan đến opioid ở Canada, tăng 33% so với năm 2016.
Fentanyl và các chất tương tự vẫn là vấn đề chính của cuộc khủng hoảng opioid tổng hợp ở Bắc Mỹ, nhưng Tây Phi, Trung Phi và Bắc Phi cũng đang phải vật lộn với một loại opioid tổng hợp khác là tramadol. Các vụ bắt giữ toàn cầu liên quan tới tramadol đã tăng từ dưới 10kg trong năm 2010 lên gần 9 tấn vào năm 2013 và đạt mức kỷ lục 125 tấn trong năm 2017.
Loại ma túy bị lạm dụng nhiều nhất trên thế giới vẫn là cần sa, với khoảng 188 triệu người đã sử dụng loại ma túy này trong năm 2017.
Báo cáo cho thấy một lĩnh vực mà cộng đồng quốc tế đã có một số thành công là cuộc chiến chống lại các chất tâm thần mới, bằng chứng là giảm số lượng các chất đó được xác định và báo cáo lần đầu tiên cho UNODC. Các chất kích thích tâm thần mới đã không được sử dụng trên thị trường như đã lo ngại vài năm trước và cộng đồng quốc tế đã phản ứng kịp thời để đánh giá thiệt hại do các chất này gây ra và thiết lập các chương trình bảo đảm kiểm soát quốc tế.
Phòng ngừa và điều trị tiếp tục không đủ
Phòng ngừa và điều trị tiếp tục không đầy đủ ở nhiều nơi trên thế giới, chỉ có 1 trong 7 người bị rối loạn liên quan đến ma túy được điều trị mỗi năm.
Tình trạng này đặc biệt đáng lo ngại trong các nhà tù. Báo cáo năm nay trình bày một phân tích chuyên sâu về sử dụng ma túy và hậu quả bất lợi đối với sức khỏe trong tù, cho thấy rằng tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV, viêm gan C và lao hoạt động và các rủi ro liên quan là cao hơn một cách không tương xứng trong các tù nhân so với dân số nói chung, đặc biệt là trong số các tù nhân sử dụng thuốc tiêm trong tù.
56 quốc gia chỉ ra rằng họ sẽ cung cấp điều trị thay thế opioid tại ít nhất một nhà tù vào năm 2017, trong khi 46 quốc gia chỉ ra rằng họ không có lựa chọn điều trị như vậy trong tù.
Báo cáo cho thấy các can thiệp trị liệu hiệu quả dựa trên bằng chứng khoa học và phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế chưa đầy đủ hoặc khó có thể tiếp cận khi cần thiết, và các chính phủ cùng cộng đồng quốc tế phải đẩy mạnh can thiệp để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt này./.