Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

UNICEF kêu gọi các nước Nam Á mở cửa trường học trở lại

Thứ Sáu, 10/12/2021 16:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 9/12, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi chính phủ các nước khu vực Nam Á cho phép mở cửa trường học trở lại, đồng thời cảnh báo hậu quả từ việc gián đoạn học tập do đại dịch COVID-19 có thể kéo dài nhiều thập kỷ.

 Đại dịch COVID-19 đã khiến việc học tập của hơn 400 triệu trẻ em khu vực Nam Á bị gián đoạn. (Ảnh: Reuters)

Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á của UNICEF – ông George Laryea-Adjei cảnh báo: “Cái giá của việc không hành động sẽ là lực lượng lao động  bị suy yếu hơn trong một vài năm. Thực tế sẽ chứng minh điều đó và hậu quả để lại sẽ kéo dài”.

Theo UNICEF, do tác động của dịch bệnh, các trường học ở Bangladesh đã đóng cửa trong gần 18 tháng qua và đây là khoảng thời gian dài kỷ lục trên thế giới. Trong khi đó, trường học ở các nước Nam Á khác cũng bị đóng cửa trung bình 31,5 tuần trong khoảng thời gian tính từ tháng 3/2020 đến tháng 8 năm nay.

Báo cáo của UNICEF dẫn một kết quả nghiên cứu tại Ấn Độ chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ em lớp 3 có thể đọc văn bản cấp 1 đã giảm từ khoảng 42% trong năm 2018 xuống còn 24% trong năm 2020. Việc nghỉ học cũng khiến học sinh bị ảnh hưởng về tâm lý xã hội, sức khỏe tâm thần và gia tăng nguy cơ bị bạo lực. Số lượng trẻ em gái tảo hôn cũng có dấu hiệu gia tăng trong thời gian nghỉ học kéo dài.

Từ những lập luận trên, UNICEF kêu gọi Ấn Độ và các nước láng giềng mở cửa trở lại hoàn toàn trường học để chấm dứt tình trạng gián đoạn về giáo dục mà hơn 400 triệu trẻ em đang phải gánh chịu do các trường học bị đóng cửa dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Một thực tế đáng quan ngại được ông Laryea-Adjei chỉ ra đó là tình trạng đóng cửa trường học diễn ra ở những khu vực không có nhiều điều kiện để thúc đẩy việc học tập trực tuyến của các em học sinh. Theo số liệu thống kê của UNICEF, có tới 80 triệu trẻ em ở khu vực Nam Á không được tiếp cận với việc học tập trực tuyến tại nhà. Thực tế này đã cho thấy sự chênh lệch về tiếp cận kỹ thuật số đang ngày càng gia tăng, trong bối cảnh việc đến trường của các em học sinh bị cản trở do đại dịch.

“Khả năng truy cập internet và các thiết bị kỹ thuật số là rất không đồng đều… Và chúng tôi nhận thấy sự thiếu hụt khả năng học tập nghiêm trọng, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo và trẻ em gái - bởi vì các bé trai thường được đánh giá cao hơn về mảng công nghệ” – ông  Laryea-Adjei nói.

Nhờ vào những kết quả khích lệ trong công tác phòng, chống dịch, nhiều nước ở khu vực Nam Á đã bắt đầu cho mở cửa trường học trở lại sau một thời gian dài cho học sinh nghỉ học. Hiện tại một số nước như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Afghanistan chỉ duy trì trạng thái “mở cửa từng phần” các trường học. Trong khi các trường học ở Pakistan và Sri Lanka đã được mở cửa trở lại hoàn toàn.

Theo số liệu thống kê từ UNICEF, khoảng 2,7 triệu trẻ em ở khu vực Nam Á sẽ không đi học trở lại, ngay cả khi trường học được mở cửa. “Thời gian trẻ nghỉ ở nhà càng lâu, thì khả năng quay trở lại trường học của các em càng thấp” – UNICEF đánh giá.

Không chỉ gián đoạn việc học, báo cáo của UNICEF cũng cảnh báo rằng tỷ lệ tử vong ở trẻ em có thể sẽ tăng lên do đại dịch làm đứt gãy các dịch vụ y tế và khiến hàng triệu trẻ em không được tiếp cận với vaccine.

Từ những lập luận trên, UNICEF kêu gọi chính phủ các nước Nam Á nối lại việc dạy học trực tiếp một cách an toàn và đảm bảo các học sinh có thể theo kịp, cũng như cải thiện khả năng kết nối./.

T.Lan (Theo trtworld, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN