Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xóa đói giảm nghèo ở Lào Cai

Thứ Hai, 14/10/2024 09:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm qua, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu quan trọng cần được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt. Từ kết quả giảm nghèo trong năm 2023, năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện mục tiêu hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo.

Theo đó, sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 Nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh (Ảnh: PV)

Kết quả đáng khích lệ trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương

Thực tế, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong năm 2023, toàn tỉnh giảm được 4,43% tỷ lệ hộ nghèo với số hộ thoát nghèo là gần 7.800 hộ. Cùng với các chính sách giảm nghèo của Trung ương, Lào Cai đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch, các văn bản về công tác giảm nghèo; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao.

Là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số trên 781,1 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% (dân tộc Mông 26%, Tày 15%, Dao 14%, Giáy 4,3%, Nùng 4,3%...), công tác giảm nghèo được địa phương này xác định là nhiệm vụ quan trọng. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả.

Thống kê cho thấy, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư 7.300 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, sinh kế, đào tạo chuyển đổi nghề, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục... Đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, giai đoạn 2019 - 2023 tỉnh đã hoàn thành 4.552 nhà (xây mới 3.448 nhà; cải tạo, sửa chữa 1.104 nhà), đây là chương trình có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh chung sức, chung lòng trong xóa đói giảm nghèo (Ảnh: PV) 

Tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xóa đói giảm nghèo

Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 đạt trên 4% theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Riêng với các huyện nghèo, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,6% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44,6 triệu đồng/năm. Phấn đấu trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất. Đáng chú ý, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu 200 người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo; trong đó có khoảng 120 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn xuống dưới 27,2%...

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đó, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 09/2/2023 của UBND tỉnh; đẩy mạnh đối thoại giảm nghèo tại cơ sở, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có giải pháp chỉ đạo phù hợp. Khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. xây dựng mô hình Tổ tự quản giảm nghèo để tập hợp các hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo với các hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Chú trọng đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm ổn định. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Giáo dục; y tế; nhà ở cho hộ nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường; thông tin và truyền thông....

Tỉnh Lào Cai cũng đã thực hiện đảm bảo, kịp thời các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và ban hành những chính sách, cơ chế phù hợp quy định làm điểm tựa để người dân vươn lên thoát nghèo.

Giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, cần huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội và cần khơi thông các nguồn lực. Với quan điểm chỉ đạo “đi cùng và đi trước”, tỉnh Lào Cai đã chủ động điều hành có hiệu quả các chính sách liên quan đến giảm nghèo. Song song, tỉnh tích cực thực hiện Chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới… tạo nền tảng bền vững để tiến tới triển khai thuận lợi các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Có thể thấy, nhờ tranh thủ các nguồn lực của nhà nước và xã hội, phát huy nội lực, động viên tinh thần, ý chí vươn lên của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Lào Cai đã từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo bền vững.

HNV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN