UNHCR: 100 triệu người di cư trong năm 2022
(ĐCSVN) – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết 100 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa trong năm 2022, bao gồm những người chạy trốn khỏi xung đột, bạo lực, vi phạm nhân quyền và đàn áp, và theo người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi mô tả là “một kỷ lục không bao giờ nên có”.
Theo UNHCR, con số này tăng từ khoảng 90 triệu vào năm 2021. Bạo lực bùng phát và xung đột kéo dài đã và đang thúc đẩy người di cư ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có: Ukraine, Ethiopia, Burkina Faso, Syria, Anh, Myanmar. Hàng nghìn người di cư tuyệt vọng chủ yếu hướng đến châu Âu, giao phó mạng sống của họ cho những kẻ buôn người và thực hiện những hành trình đầy nguy hiểm qua Địa Trung Hải, những hành trình thường kết thúc một cách bi thảm.
Một gia đình sống trong khu định cư ở thành phố Raqqa, Đông Bắc Syria. (Ảnh: UNICEF) |
Suy giảm điều kiện sống của người di cư ở Yemen
Đã hơn 7 năm kể từ khi cuộc xung đột kéo dài bắt đầu ở Yemen, vốn gây ra thảm họa nhân đạo và buộc hơn 4,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Vào tháng 5/2022, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và tổ chức viện trợ nhân đạo của Liên minh châu Âu (ECHO) thông báo đang tăng cường nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của hơn 325.000 người phải di dời do xung đột, bao gồm cả người di cư và cộng đồng chủ nhà.
Bà Christa Rottensteiner, Trưởng phái đoàn của IOM tại Yemen, cho biết: “Tình hình cũng đang trở nên tồi tệ hơn đối với người di cư ở Yemen, đặc biệt là phụ nữ, những người sống trong điều kiện khắc nghiệt và ít kiểm soát được số phận của mình”.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình tồi tệ ở Yemen, quốc gia này vẫn là điểm đến và điểm trung chuyển của những người di cư từ vùng Sừng châu Phi. Khi đến nơi, những người di cư phải đối mặt với những hành trình đầy nguy hiểm, trong đó nhiều người hướng về phía Bắc và đến các quốc gia vùng Vịnh để tìm việc làm. Họ thường bị buộc phải vượt qua các tuyến đường địa phương, có nguy cơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, chẳng hạn như bị giam giữ, bóc lột và cưỡng bức.
Khó có thể trở về đất nước Syria an toàn
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, tại Syria, chiến tranh đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong 11 năm nay, gần 5 triệu trẻ em sinh ra ở Syria chưa bao giờ biết đến đất nước hòa bình.
Hơn 80.000 người Syria đã trú ẩn trong trại Za'atari khổng lồ ở Jordan, nhiều người trong số họ có thể phải ở bên ngoài đất nước của họ trong một thời gian dài.
Ông Dominik Bartsch, Đại diện UNHCR tại Amman, thủ đô của Jordan, cho biết: “Triển vọng trở lại vào lúc này có vẻ không hứa hẹn. Chúng tôi không thấy một môi trường thuận lợi để quay trở lại ở Syria”.
Tổng cộng, Jordan có khoảng 675.000 người tị nạn Syria đã đăng ký và hầu hết họ sống ở các thị trấn và làng mạc giữa các cộng đồng địa phương, chỉ 17% trong số họ sống trong hai trại tị nạn chính, Za 'atari và Azraq.
Hàng nghìn người thiệt mạng khi cố đến châu Âu bằng thuyền
Theo thống kê của UNHCR, số người thiệt mạng hoặc mất tích khi cố gắng đến châu Âu bằng thuyền đã tăng gấp đôi từ năm 2022 so với năm 2021, lên hơn 3.000 người.
Người phát ngôn của UNHCR Shabia Mantoo cho biết trong cuộc phỏng vấn tại một cuộc họp báo ở Geneva: “Hầu hết các cuộc vượt biển được thực hiện trên những chiếc thuyền bơm hơi chật chội, không đủ khả năng đi biển – nhiều chiếc bị lật hoặc xì hơi, dẫn đến thiệt hại về người”.
Hồi tháng 3 năm nay, ít nhất 70 người di cư được báo cáo là đã thiệt mạng hoặc mất tích ngoài khơi bờ biển Libya, điểm xuất phát của nhiều cuộc vượt biển.
Vào tháng 8, khi một chiếc thuyền bị chìm ngoài khơi đảo Karpathos của Hy Lạp, hàng chục người đã thiệt mạng và vào tháng 9, hơn 70 thi thể đã được vớt lên từ một vụ đắm tàu ngoài khơi bờ biển Syria./.