Ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kêu gọi cộng đồng hãy cùng chung tay đẩy lùi ung thư phổi. Các doanh nghiệp, tổ chức cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng đối với các nhóm đối tượng nguy cơ vào vào chương trình khám sức khỏe định kỳ.
Tại sự kiện phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi năm 2023 mang tên "Thương phổi– Love your lungs" với thông điệp "Tầm soát ngay, sớm chữa lành" do Bộ Y tế và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng tổ chức tại Hà Nội ngày 13/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi, trên 30% gây ra các loại ung thư khác. Mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: TL |
Ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam với 26.262 ca mỗi năm
Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới. Theo thống kê ung thư toàn cầu GLOBOCAN, năm 2020, tại Việt Nam tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Điều này cho thấy chúng ta cần nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng và chống ung thư kịp thời để giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do ung thư gây ra. Ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác, các bệnh không lây nhiễm bằng các biện pháp: Cần bỏ thuốc lá bởi lẽ thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác; hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác.
Cùng với đó, phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó hàm lượng đạm, mỡ hợp lý, tăng cường rau xanh, trái cây; thường xuyên rèn luyện, tăng cường sức khoẻ;
Ngoài ra, mỗi người phải có thói quen khám sức khoẻ định kỳ. Với những người có tiền sử hút thuốc lá, chúng tôi khuyến cáo sau 40 tuổi, sau 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư phổi nói riêng, các bệnh ung thư khác nói chung.
"Chúng tôi kỳ vọng qua chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi năm 2023 sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư phổi nói riêng cũng như các loại ung thư khác nói chung bởi lẽ ung thư cùng một số bệnh không lây nhiễm khác đang là mối đe doạ lớn cho trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Hiện các bệnh không lây nhiễm đang chiếm đến 75% nguyên nhân gây bệnh tật"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng hãy cùng chung tay đẩy lùi ung thư phổi, các doanh nghiệp, tổ chức cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng đối với các nhóm đối tượng nguy cơ vào vào chương trình khám sức khỏe định kỳ để hướng tới một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh.
Khám tầm soát ung thư phổi cho người dân ngày 13/8. Ảnh: TL |
Cần thiết tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư phổi
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng: "Dự án "Thương phổi" với thông điệp "Tầm soát ngay, sớm chữa lành" lần đầu tiên được Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng triển khai cùng các đối tác và bệnh viện K, bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Ung bướu Nghệ An, bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ... phối hợp triển khai với nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư phổi; Nâng cao tỉ lệ người bệnh được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn sớm với các phương pháp tiên tiến; Đồng thời triển khai chương trình sàng lọc bệnh ung thư phổi đối với những đối tượng có nguy cơ cao.
Tại sự kiện này, 500 người dân từ 50 tuổi trở lên và thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao sẽ được khám, tư vấn bệnh hô hấp và chụp X-Quang lồng ngực hoàn toàn miễn phí. Nếu có nghi ngờ, người dân sẽ được chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa chụp CT lồng ngực miễn phí để tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi. Ngoài ra, người dân sẽ được các bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn và hướng dẫn về các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu để phát hiện sớm ung thư phổi.
Người dân cần khám định kỳ để tầm soát sớm bệnh ung thư phổi. Ảnh: TL |
Nằm trong hoạt động của chiến dịch này, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng ra mắt trang thông tin điện tử chính thức Thương phổi tại www.thuongphoi.vn nhằm cung cấp những thông tin chính thống về chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư phổi. Các câu chuyện về người bệnh ung thư phổi có nhiều năng lượng tích cực, góp phần truyền cảm hứng trong cộng đồng người bệnh cũng sẽ được đăng tải trên trang thông tin này./.