Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định

Thứ Sáu, 19/07/2024 19:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đề nghị tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển KH&CN trong những ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TL) 

Ngày 19/7, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở KH&CN tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của tỉnh có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại tỉnh Bình Định đang triển khai thực hiện 03 nhiệm vụ cấp Nhà nước; 30 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh với nhiều kết quả nổi bật như: Kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Nhiều kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để định hướng, góp phần đánh giá các Nghị quyết của Đảng…

Trong lĩnh vực khoa học y dược, tỉnh đã tập trung nghiên cứu các loài cây dược liệu có khả năng hạn chế một số bệnh thường gặp. Ứng dụng duy trì các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong y học như: gây tê ngoài màng cứng, gây tê đám rối thần kinh kết hợp siêu âm dẫn đường, phẫu thuật nội soi thay khớp háng, can thiệp động mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim…

Trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã tuyển chọn đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất chất lượng, phẩm cấp tốt, thích ứng rộng vào sản xuất.

Trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, tỉnh đã xây dựng được Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quy hoạch xây dựng và thí điểm hệ thống tra cứu trực tuyến. Kết quả của nhiệm vụ giúp nâng cao công tác quản lý thông tin quy hoạch xây dựng, với việc tổng hợp và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) không gian; Hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác hành chính công, hướng tới công khai, minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng; Đề xuất quy chế vận hành và khai thác thông tin quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định; Phần mềm ứng dụng hỗ trợ quản lý và tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin quy hoạch một cách dễ dàng với nhiều tiện ích…

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ có nhiều kết quả nổi bật. Đến nay toàn tỉnh có 33 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích (chiếm 1,3% tổng số đơn nộp), đã được cấp 03 bằng độc quyền sáng chế và 03 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; có 85 đơn đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp (chiếm 3,3% tổng số đơn nộp), đã được cấp 46 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; có 2.460 đơn đăng ký nhãn hiệu (chiếm 95,4% tổng số đơn nộp), đã được cấp 1.470 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Đáng chú ý, tỉnh Bình Định vừa xác lập thành công chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng của tỉnh và đã có 66 nhãn hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn địa danh được đăng ký bảo hộ (35 nhãn hiệu chứng nhận và 31 nhãn hiệu tập thể)…

Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống. Xác định nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ liên thông, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo sức cạnh tranh. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các nhiệm vụ có tính ứng dụng cao vào sản xuất, kinh doanh, gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Chủ động tham gia các Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và cấp Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cũng cho biết, thời gian qua tỉnh rất quan tâm phát triển KHCN&ĐMST. Coi khoa học công nghệ cùng giáo dục đào tạo là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.

Tỉnh ủy Bình Định đã có Chương trình hành động về phát triển khoa học và công nghệ. Những năm qua, hoạt động KHCN&ĐMST được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều đổi mới, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN&ĐMST vẫn còn một số hạn chế như: Các nhiệm vụ KH&CN còn ít, chất lượng chưa cao; Việc nhân rộng các mô hình sau khi tiếp nhận kết quả nghiên cứu tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, sức lan tỏa chưa cao…

Bởi vậy, thời gian tới, Bình Định sẽ có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH&CN. Chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập thuộc Sở KH&CN; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN. Đầu tư, phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học; Hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển liên kết, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong tỉnh, đặc biệt là ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương…

Ứng dụng, chuyển giao KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Bình Định đối với hoạt động KHCN&ĐMST và ghi nhận các kết quả ngành KH&CN của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TL) 

Thứ trưởng cho biết, báo cáo kết quả hoạt động KH&CN của tỉnh Bình Định cho thấy, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến hoạt động KHCN&ĐMST; kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành phát triển KHCN&ĐMST.

Qua đó, công tác quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của địa phương.

Thứ trưởng đề nghị tỉnh tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp (DN). Đẩy mạnh hoat động ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường; tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, DN.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển KH&CN trong những ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực KH&CN trên địa bàn, như: Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ; đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường, DN KH&CN… Duy trì, giữ vững thương hiệu sản phẩm của tỉnh đã được bảo hộ; tăng cường khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ KH&CN thống nhất chủ trương ủng hộ thực hiện. Thứ trưởng KH&CN giao các đồng chí lãnh đạo các đơn vị chủ động phối hợp với các đơn vị của tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xử lý…/.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN