Ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học giảm tình trạng mượn thẻ BHYT
(ĐCSVN) - Đó là thông tin được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cung cấp tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học diễn ra chiều 21/7, tại Hà Nội
Ảnh |
Ảnh minh họa. Nguồn: An An |
Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời giúp quản lý tốt quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ cho triển khai, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc (dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp và trên dữ liệu của cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư) trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo báo cáo của BHXH VIệt Nam, về triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB), trước đây, cán bộ y tế khi tiếp đón bệnh nhân phải qua 4 bước tối thiểu. Đến nay, khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học, từ 4 bước nay chỉ còn 2 bước. Người dân tự check in và tự xác thực sinh trắc.
Thời gian rút ngắn từ 10-15 phút cho 1 điểm, nay chỉ còn 6-15 giây. Chỉ cần 01 cán bộ y tế hỗ trợ cho tất cả các quầy xác thực (1 buổi cơ sở y tế đẩy nhanh, tiết kiệm 1-1,5 giờ). Việc triển khai này giúp người bệnh được phân luồng sớm hơn, tiết kiệm chi phí tuân thủ, di chuyển, công bằng trong việc lấy số thứ tự KCB.
Còn tại các cơ quan BHXH, việc triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc đã khắc phục tình trạng mượn thẻ BHYT, CCCD, tiết kiệm chi phí…Đồng thời, quản lý chặt chẽ, chính xác, tránh trục lợi, phục vụ tốt công tác giám định, kiểm tra, thanh tra, quản lý với khoảng 170 triệu lượt KCB BHYT 1 năm.
Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc đã mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH. Theo đó, giúp người bệnh giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ.
Ngoài các lợi ích trong công khác KCB BHYT, việc triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC còn giúp cơ quan BHXH đảm bảo xác thực được thẻ CCCD thật/giả, xác thực danh tính của người dân khi đến nộp và giải quyết hồ sơ (nhất là các hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH, đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần có số tiền chi trả tương đối lớn...); phát hiện kịp thời và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ tùy thân để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Như vậy, có thể thấy việc thí điểm thành công và triển khai mở rộng ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc mang lại ý nghĩa rất quan trọng đối với không chỉ ngành BHXH Việt Nam, mà có thể đúc rút kinh nghiệm, tạo nền tảng để hiện đại hóa và phòng chống trục lợi trong các khâu giao dịch giữa người dân với các tổ chức ở quy mô quốc gia, trong đó có các cơ quan nhà nước./.