Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

UNESCO: 84 triệu trẻ em vẫn không được đến trường vào năm 2030

Thứ Sáu, 08/07/2022 15:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Báo cáo mới vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố ngày 7/7 cảnh báo, nếu chúng ta không tăng cường hành động thì chỉ 1 trong 6 quốc gia sẽ đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 4, trong đó bảo đảm phổ cập tiếp cận giáo dục chất lượng vào năm 2030.

 Học sinh trong một lớp học ở Colombia. (Ảnh: UNESCO)

Theo ước tính của UNESCO, gần 84 triệu trẻ em và thanh thiếu niên vẫn sẽ không được đến trường vào cuối thập kỷ này.

Được công bố vào thời điểm chỉ một tuần sau lời kêu gọi hành động do bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, đưa ra trong cuộc họp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục được tổ chức tại Paris với sự hiện diện của hơn 150 bộ trưởng, báo cáo của UNESCO là một kiểm chứng thực tế rõ ràng đối với các nhà lãnh đạo chính trị và đại diện cộng đồng xã hội dân sự.

Theo báo cáo, các quốc gia dự kiến tỷ lệ học sinh có kỹ năng đọc cơ bản sẽ tăng vào cuối cấp tiểu học, từ 51% vào năm 2015 lên 67% vào năm 2030. Tuy nhiên, mặc dù tiến bộ này, ước tính gần 300 triệu trẻ em và thanh thiếu niên vẫn sẽ thiếu các kỹ năng đọc và tính toán cơ bản để thành công trong cuộc sống.

Hơn nữa, bất chấp cam kết hoàn thành bậc Trung học cơ sở cho tất cả mọi người, chỉ 1 trong 6 quốc gia mong đợi đạt được mục tiêu này vào năm 2030, và ở châu Phi cận Sahara, chỉ 4/10 thanh niên sẽ hoàn thành bậc  Trung học cơ sở. Dữ liệu của các chính phủ chỉ ra rằng ngay cả khi các mục tiêu quốc gia đạt được, chúng vẫn sẽ không đủ: ước tính khoảng 84 triệu trẻ em và thanh thiếu niên vẫn sẽ phải nghỉ học vào cuối thập kỷ này.

Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục, tuyên bố nêu rõ: “Phần lớn các chính phủ đều có những tiêu chuẩn quốc gia để đo lường sự tiến bộ: Đây là một dấu hiệu cam kết nghiêm túc. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế hiện có trách nhiệm tăng cường nỗ lực của mình bằng cách thu hẹp khoảng cách dữ liệu còn lại và ưu tiên tài trợ cho giáo dục”. Theo bà Stefania Giannini, đây là cách duy nhất để đáp ứng các nhu cầu đã được xác định và tạo ra một hiệp ước thực sự mang tính chuyển đổi.

Về phần mình, ông David Sengeh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Tiểu học và Trung học phổ thông, Trưởng ban Đổi mới của Chính phủ Sierra Leone, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu, cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giáo dục. Đến năm 2030, vẫn còn quá nhiều trẻ em không có mặt trong lớp học. Chúng ta có thể và phải làm tốt hơn nữa”.

Trong bối cảnh đó, UNESCO kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để mỗi quốc gia có thể lấy cảm hứng từ các nước bạn để phát triển và thực hiện các giải pháp. UNESCO cam kết hỗ trợ đối thoại giữa các quốc gia thành viên và sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn để giúp cải thiện việc giám sát và báo cáo quốc gia về SDG 4 khi chúng ta tiến tới năm 2030./.

Khánh Linh (Theo UNESCO, Reuters)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN