Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tỷ lệ lạm phát tại Nga cao nhất kể từ năm 2016

Thứ Năm, 09/12/2021 17:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 8/12, Cơ quan Thống kê nhà nước Nga (Rosstat) cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 11 đã tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp đôi tỷ lệ mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Nga đề ra và là mức cao nhất kể từ năm 2016.

Tỷ lệ lạm phát tại Nga hiện gấp đôi tỷ lệ mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương nước này đề ra. (Ảnh: The Moscow Times)

Theo đó, tỷ lệ này cũng tăng gần 1% so với tháng 10. Hơn một năm qua, giá thực phẩm tại Nga đã tăng 12%, đặc biệt là trứng (tăng 26%), rau củ quả (tăng 20%) và thịt (tăng 18%). Tỷ lệ lạm phát đang gia tăng mạnh trong nhiều tháng với giá lương thực tăng chóng mặt đã khiến nhiều người Nga thu nhập thấp và không có nhiều tiền tiết kiệm rơi vào tình trạng khó khăn. 

Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cảnh báo lạm phát gia tăng là một "thảm họa thực sự" đối với quốc gia và kêu gọi chính phủ hành động.

Bà Elvira Nabiullina cho hay: "Lạm phát cao sẽ gây tổn hại tới sự thịnh vượng và là một thảm họa thực sự khiến người dân trở nên nghèo hơn".

Trước đó, ngày 6/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua luật tăng lương tối thiểu vào năm 2022 lên mức 13.890 ruble/tháng, tương đương với khoảng 190 USD/tháng. Mức lương tối thiểu ở Nga năm 2021 là 12.792 ruble.

Phát biểu tại cuộc họp về các vấn đề xã hội ngày 18/11, Tổng thống Nga cho rằng mức lương cơ bản cho năm 2022 phải tăng cao hơn mức tăng lạm phát.

Không chỉ với Nga, lạm phát đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại Mỹ, châu Âu và hầu hết các thị trường mới nổi, lạm phát hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Hiện tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang cao gấp 2 lần mức mục tiêu 2% mà Cục Dữ trữ Liên bang (FED) đề ra. Lạm phát leo thang có thể khiến FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến.

Trong một phát biểu, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, sự thay đổi về nhu cầu có thể lớn và nhanh chóng, và những trở ngại, khó khăn trong tuyển dụng cũng như các ràng buộc khác có thể tiếp tục hạn chế mức độ điều chỉnh nhanh chóng của nguồn cung khiến khả năng lạm phát có thể trở nên cao hơn và dai dẳng hơn.

Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ước tính lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ là 2,2% trong cả năm 2021, mặc dù Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã thừa nhận về khả năng lạm phát có thể còn cao hơn. Tuy nhiên, bà Christine Lagarde cho rằng, tình trạng giá cả gia tăng gần đây ở nhiều nước thuộc khu vực Eurozone chỉ là hậu quả tạm thời của sự gián đoạn kinh tế và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do tình trạng khủng hoảng y tế toàn cầu gây ra. 

Uỷ viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni cũng nhận định, giá cả tăng cao là do chịu ảnh hưởng của những yếu tố mang tính tạm thời, song xu hướng này có thể giảm trong nửa đầu năm 2022. Ông Gentiloni cho rằng, những nút thắt về nguồn cung sẽ dần được gỡ bỏ, theo đó lạm phát sẽ trở lại dưới 2% và giá năng lượng sẽ giảm dần và ổn định trong năm tới.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lạm phát tăng đang tạo sức ép khiến ECB và FED hạn chế triển khai các chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn, với việc các thị trường lo ngại rằng giới hoạch định chính sách có thể sớm cắt giảm lãi suất nhằm kìm hãm giá cả leo thang./.

H.Hà (Theo Reuters, The Moscow Times)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN