Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Vì hộ khẩu, học sinh có "mất cơ hội" vào các trường top đầu?
(ĐCSVN) – Năm nay, Hà Nội phê duyệt phương thức tuyển sinh với nhiều điểm mới so với năm trước, trong đó có việc học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng thay vì 2 nguyện vọng. Theo đó, học sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thuộc khu vực có hộ khẩu thường trú, nguyện vọng 3 ở khu vực bất kỳ. Quy định này đã gây không ít hoang mang, ý kiến trái chiều trong phụ huynh học sinh.
Thi tuyển lớp 10 năm học 2021 - 2022 : 4 bài thi độc lập
Học sinh Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 sẽ làm 4 bài thi độc lập. |
Ngày 19/2, UBND TP. Hà Nội phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022. Với phương thức thi tuyển, kỳ thi gồm 4 bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Theo dự kiến, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 29 và 30/5/2021
Trong đó, bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở. Tháng 3/2021, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố bài thi thứ tư.
Về hình thức thi, các bài thi môn toán và ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn ngoại ngữ và bài thi thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài thi, có nhiều mã đề trong một phòng thi. Đề thi các môn sẽ gồm câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Trước quyết định học sinh phải thi môn thứ tư bên cạnh ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo lắng bởi năm học này, học sinh vẫn có thời gian phải học online thay cho việc học trực tiếp do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc học online sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của cô và trò, có tác động đến hiệu quả của việc thi cử của các em học sinh. Trong những ngày qua, trên nhiều diễn đàn dành cho phụ huynh có con thi vào lớp 10, cha mẹ bày tỏ nguyện vọng mong Sở GD&ĐT Hà Nội xem xét đề xuất bỏ môn thi thứ 4 như đã thực hiện trong mùa tuyển sinh năm ngoái.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, quan điểm của Sở GD&ĐT Hà Nội là thi 4 môn, trong đó 1 môn tự chọn sẽ công bố vào cuối tháng 3 tới để học sinh học đều tất cả các môn. Tuy nhiên, trong trường hợp tình hình dịch phức tạp, Sở có thể xem xét trình UBND TP. Hà Nội giảm bớt số môn. Dù là phương án nào, Sở GD&ĐT và UBND TP.Hà Nội đều sẽ đảm bảo tính toán để có lợi nhất cho học sinh.
Về phần mình, thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, chương trình giáo dục cấp THCS là chương trình giáo dục cơ bản, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, nên hình thức, số lượng môn thi cũng phải đáp ứng yêu cầu mục tiêu giáo dục. “Ngoài ba môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ đã được báo trước, tôi đồng ý với đề xuất làm bài thi môn thứ 4 nếu như dịch bệnh được kiểm soát và học sinh sẽ trở lại trường học từ ngày 1/3. Còn trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài trong các tháng tới khiến học sinh sẽ phải học trực tuyến thì chỉ nên thi 3 môn như năm học trước”, thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội (Ảnh: Báo CAND) |
Tuy nhiên, theo nhận định của thầy Nguyễn Quốc Bình, trong năm học này, việc dạy và học trực tuyến đã có chất lượng, hiệu quả hơn năm học trước, vì thầy cô và học sinh đã có kinh nghiệm, phương pháp dạy và học phù hợp với hình thức mới. Khó khăn (dịch bệnh, thiên tai...) sẽ còn xảy ra ở những mức độ khác nhau. Nếu cứ khó khăn mà chúng ta đã bớt môn thi, thì sẽ còn bớt mãi, đến bao giờ mới thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện?
Tuyển sinh theo hộ khẩu có làm khó cho học sinh?
Bên cạnh việc đề xuất làm bài thi môn thứ tư, một điểm mới trong kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022 là học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng thay vì 2 nguyện vọng và học sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thuộc khu vực có hộ khẩu thường trú, nguyện vọng 3 ở khu vực bất kỳ.
Theo đó, mỗi thí sinh sẽ được đăng 3 nguyện vọng nhưng học sinh phải đặt nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 vào trường thuộc khu vực tuyển sinh có hộ khẩu thường trú, nguyện vọng 3 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Ngoài ra, học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký (trước đây được thay đổi nguyện vọng dự tuyển 1 lần). Trong kỳ tuyển sinh này, nếu học sinh trượt nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 mới được xét nguyện vọng 3 nhưng điểm tuyển sinh phải cao hơn nguyện vọng 1 của trường là 2 điểm. Thí sinh đỗ nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 sẽ không được xét nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Quy định này lập tức gây tranh cãi, hoang mang cho học sinh, phụ huynh. Trong đó, nhiều phụ huynh cho rằng, Hà Nội đẩy thế khó về cho phụ huynh khi thực tế có nhiều phụ huynh có hộ khẩu một nơi nhưng cư trú thực tế ở nơi khác. Hoặc học sinh đã có mục tiêu phấn đấu vào trường top đầu nhưng vì hộ khẩu ở những quận, huyện không có trường top, các em mất cơ hội được vào trường đó.
Bày tỏ lo lắng trước quy định gây bất ngờ sát kỳ thi của Hà Nội về nguyện vọng xét tuyển, anh Phạm Quốc Trịnh ở quận Thanh Xuân cho biết: "Tôi có con hiện đang học lớp 9 tại trường THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) nhưng hộ khẩu thường trú của gia đình lại ở quận Hoàng Mai. Nếu theo quy định mới, con chỉ được đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 vào các trường ở khu vực tuyển sinh 4 gồm quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. Nguyện vọng 3 con mới được đăng ký vào trường con và gia đình mong muốn. Tuy nhiên, cái khó ở quy định này là con đỗ nguyện vọng 1 thì sẽ không được xét đến nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Đây là rào cản đối với nguyện vọng được học tập tại các trường có chất lượng cao trên địa bàn thành phố”.
Nhấn mạnh việc thay đổi tuyển sinh theo hộ khẩu là hợp lý và phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục Hà Nội, thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường PTTH Việt Đức cho rằng, việc Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất tuyển sinh theo khu vực nhằm giảm số lượng học sinh đăng ký tập trung quá nhiều vào một số trường, mà chỉ tiêu tuyển sinh có hạn dẫn đến số học sinh trượt nhiều. Nếu học sinh được phân bố hợp lý hơn ở các khu vực, thì cơ hội học tập ở ngôi trường mơ ước sẽ nhiều hơn.
“Các khu vực tuyển sinh (12 khu vực) đều có các trường chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học sinh vào học. Chất lượng giáo dục của các trường không quá chênh lệch. Những học sinh giỏi, xuất sắc có nhiều cơ hội lựa chọn: trường chuyên của Hà Nội, trường chuyên của các trường Đại học, trường có lớp chuyên, trường chất lượng cao thuộc khu vực tuyển sinh, trường ngoài công lập chất lượng cao... Những năm học trước học sinh chỉ có 2 nguyện vọng, năm học này học sinh có 3 nguyện vọng, có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn, mở hơn. Học sinh cư trú và hộ khẩu thực tế khác nhau có thể xin xác nhận nơi cư trú để đăng ký nguyện vọng, như vậy không hề “đóng” với hộ khẩu”, thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức. (Ảnh: KL) |
Thông tin với báo chí về quy định mới trong kỳ thi xét tuyển lớp 10 năm học 2021 - 2022, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết: Trước đây, Sở cho phép thí sinh được đổi khu vực tuyển sinh. Theo đó, toàn thành phố được phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Những học sinh ở vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú sẽ được phép đổi khu vực tuyển sinh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú sẽ bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh.
Theo ông Đại, đối với kỳ thi tuyển năm nay, nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của địa phương, Sở GD&ĐT sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học này toàn thành phố Hà Nội có khoảng 110.759 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 6.220 học sinh so với năm học trước. Trong số đó, kỳ thi năm nay sẽ chỉ có 68.670 em (62%) có suất học trường THPT công lập, số học sinh còn lại sẽ đăng ký học ở trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề… Những ngày tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022. Trong hướng dẫn này, Sở GD&ĐT sẽ quy định cụ thể về những vấn đề liên quan, chi tiết các trường hợp được phép đổi khu vực tuyển sinh./.