Tuyên Quang: Tiếp tục thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú
(ĐCSVN) - Tỉnh Tuyên Quang đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện công tác bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại 29 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang khang trang, sạch đẹp. (Ảnh: IT) |
Để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 hiệu quả, thiết thực, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia thực hiện, từ đầu năm, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn.
Trong đó, đối với Tiểu dự án 1 (Dự án 5), tỉnh xác định: Tiếp tục thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn các huyện: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn; Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số. Cụ thể, năm 2023: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho 26 trường.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 5) đảm bảo đúng kế hoạch, mục tiêu, nội dung nhiệm vụ đã được phê duyệt.
Toàn tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ vốn cho các dự án, công trình, hạng mục theo quy định. Một số dự án đã được thẩm định, đấu thầu xây lắp và đang thi công, còn lại đang lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng. Sau khi kế hoạch vốn được phân bổ, các địa phương tập trung thực hiện công trình theo đúng tiến độ; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, xây dựng. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để thực hiện Tiểu dự án 1.
Là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 5), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giáo dục, chuẩn hóa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chuyển đổi số đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng toàn diện các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh; thực hiện cơ chế tuyển sinh vào học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng mở rộng đối tượng, địa bàn tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh…
Một tiết học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Quý Quân, Yên Sơn, Tuyên Quang. (Ảnh: Đỗ Oanh) |
Kết quả đã có 29 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác nội trú, bán trú với tổng kinh phí gần 365 tỷ đồng. Trong đó, huyện Lâm Bình có 3 trường, Na Hang 7 trường, Chiêm Hóa 7 trường, Hàm Yên 7 trường, Yên Sơn 5 trường.
Điển hình của công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực thực hiện Tiểu dự án này là công trình Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang. Theo đó, đầu tháng 01/2023, UBND huyện đã tổ chức khởi công xây dựng công trình. Dự kiến kinh phí công trình gần 98 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Nhà hiệu bộ; lớp học; nhà ở nội trú học sinh; nhà đa năng; nhà công vụ giáo viên; bếp ăn; trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ khác. UBND huyện đã chỉ đạo, vận động thu hồi gần 54.000 m2 đất để xây dựng dự án. Công trình được Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 50 tỷ đồng. Dự kiến sau 28 tháng, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Hay như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Quý Quân (Yên Sơn) sẽ được đầu tư xây dựng 2 công trình gồm: Nhà bán trú, nhà ăn và các phòng học bộ môn, trị giá gần 6,3 tỷ đồng. Các công trình nhà bán trú, nhà ăn được thi công cùng với nhà lớp học trị giá 8 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng 1 năm học qua. Các công trình thuộc Tiểu dự án 1 sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng trường bán trú, tạo động lực giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt…
Với ý nghĩa thiết thực của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp cùng với sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh thực hiện công tác bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại 29 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025; cùng với đó, thắt chặt quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tuyên truyền xã hội hóa, huy động nguồn lực thực hiện Tiểu dự án 1 một cách hiệu quả nhất./.