Tuyên Quang: Công tác CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân và doanh nghiệp
(ĐCSVN) - Kế hoạch hướng tới mục tiêu đồng bộ, thống nhất cải cách hành chính ở các lĩnh vực: Thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; đồng thời xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Bộ phận tiếp phận và trả kết quả giải quyết TTHC tại BHXH tỉnh |
Ngày 11/02/2022, BHXH tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-BHXH về công tác cải cách hành chính năm 2022. Theo đó, yêu cầu đặt ra là công tác CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của người dân cùng doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của Ngành.
Cùng với đó, Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu về việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy sáng tạo của công chức, viên chức toàn đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người lao động và nhân dân.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu đồng bộ, thống nhất cải cách hành chính ở các lĩnh vực: Thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; đồng thời xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Để hoàn thành Kế hoạch CCHC năm 2022, BHXH tỉnh xác định cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, về cải cách TTHC: Rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã ban hành, đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa những quy định và hồ sơ, quy trình, thủ tục giải quyết các TTHC trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ nhằm giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH trong đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%.
Thứ hai, về cải cách tổ chức bộ máy: Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH tỉnh tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH, gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của BHXH Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, đối với mục tiêu cải cách chế độ công vụ: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực, phẩm chất; nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức về hành chính phục vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Thứ tư, về cải cách tài chính công: Ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách TTHC trong chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tổ chức dịch vụ công. Tiếp tục vận động, khuyến khích người hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ năm, về thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, hướng dẫn hỗ trợ người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Duy trì vận hành tốt các hệ thống phần mềm và các tiện ích. Tiếp tục triển khai về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, lĩnh vực hồ sơ giải quyết các chế độ BHXH. Nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng Thông tin điện tử; duy trì hoạt động trang Fanpage của BHXH tỉnh và chương trình truyền thông trực tuyến (Livestream) giúp trả lời các câu hỏi, thắc mắc, trao đổi về các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân đảm bảo chính xác, nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT. Triển khai công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm theo lộ trình của Ngành BHXH Việt Nam.