Cần rà soát, bổ sung biện pháp “tịch thu, tiêu hủy” trong xử lý vật chứng
(ĐCSVN) - Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, tuy nhiên các ý kiến đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung biện pháp “tịch thu, tiêu hủy” trong xử lý vật chứng.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP.Hà Nội), nguyên Chánh án TAND Hà Nội đề xuất sớm ban hành nghị quyết, bởi quy định hiện hành vô cùng bất cập, gây bất lợi cho bị cáo, bị hại.
Ông Nguyễn Hữu Chính cho biết, theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên tài sản. Song, cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại là do tòa án, thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1 - 2 năm gây hư hỏng vật chứng.
Nguyên Chánh án TAND Hà Nội dẫn chứng vụ án liên quan đến cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, trong đó có số thiết bị y tế trị giá 40 tỷ đồng bị phong tỏa kê biên. Nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận nên phải bỏ không.
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: TL. |
Chỉ ra "có những vụ án máy móc để vài năm thành sắt vụn", ông Nguyễn Hữu Chính cho rằng không chỉ giới hạn xử lý ở các vụ án tham nhũng mà nên mở rộng phạm vi.
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa), khi có Nghị quyết này, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng có thể linh hoạt sớm đưa vật chứng, tài sản trở lại lưu thông, phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, tránh bị hư hỏng, thất thoát, lãng phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, cần xem xét kỹ hơn khi thực tế trong một số vụ án hình sự, việc dựa vào kết luận giám định, quyết định định giá tài sản có trường hợp không chính xác, phải tiến hành giám định lại hoặc định giá lại tài sản mới giải quyết được vụ án.
Do vậy, nếu dựa vào kết luận giám định, quyết định định giá tài sản để quyết định cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thì sợ rằng khi cần giám định lại, hoặc giám định bổ sung hoặc cần phải định giá tại tài sản sẽ không còn tài sản. Điều này gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Cho ý kiến cụ thể về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Đoàn TP. Cần Thơ) nêu rõ, dự thảo Nghị quyết đã đưa ra 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản. Tuy nhiên đại biểu chỉ ra rằng, trong thực tiễn, quá trình điều tra vụ án, truy tố, xét xử, có những vật chứng, tài sản cần thiết phải tịch thu (như thuốc lá lậu, cây thuốc phiện; động vật nguy cấp, quý, hiếm nếu không trả về tự nhiên sẽ chết ngay…) hoặc vật chứng phải tiêu huỷ ngay (vi khuẩn gây bệnh, hoá chất gây ô nhiễm môi trường). Do đó, đại biểu đề xuất đưa thêm vào dự thảo Nghị quyết biện pháp xử lý vật chứng bằng “tịch thu, tiêu hủy”.
Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về thời gian thực hiện thí điểm được nêu trong dự thảo Nghị quyết là 03 năm. Theo đó, để thực hiện thí điểm Nghị quyết cho linh hoạt và phù hợp với quyết định của Quốc hội thì nên cân nhắc không nên quy định thời hạn thí điểm cứng là 3 năm. Vì hiện nay, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự có nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.../.