Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuyển dụng giáo viên nên giao cho ngành Giáo dục

Thứ Sáu, 05/04/2019 18:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Chiều 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để làm rõ nhiều quy định còn băn khoăn như tuyển dụng giáo viên; vấn đề dạy thêm học thêm…

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, qua đi giám sát, thời gian vừa qua, có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương nhưng chúng ta không điều phối được. Theo Đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Khi tuyển dụng giáo viên, ngành Nội vụ chủ trì việc này còn ngành Giáo dục chỉ là phối hợp. Thực tế này dẫn đến một số giáo viên hợp đồng dạy rất tốt nhưng không được tuyển dụng. Bởi ngành Giáo dục chỉ sử dụng con người và họ chỉ nhận được người vào làm việc sau khi tuyển dụng xong. Vì thế cần xem lại cơ chế quản lý Nhà nước.

Đại biểu Thái Bình cho hay, tình trạng cục bộ không điều chuyển được do phân cấp vì Sở giáo dục và đào tạo thì quản lý cấp 3, còn huyện thì quản lý bậc mầm non và tiểu học phổ thông. Tuy nhiên khi thừa thiếu giáo viên huyện cũng không điều chuyển được. Do đó vấn đề tuyển dụng giáo viên nên giao cho ngành Giáo dục quản lý chứ đừng lo giao cho ngành Giáo dục sẽ không quản lý được biên chế.

“Ngành Nội vụ chỉ giao chỉ tiêu, còn con người thế nào phải do ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng và có thể điều chuyển được giáo viên vì năm nay trường A có thể thiếu giáo viên nhưng năm sau lại thừa do nhu cầu học”- đại biểu Thái Bình giải thích thêm.

Cho ý kiến Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện nêu lên về tình trạng dạy thêm, học thêm quá tải của học sinh hiện nay. Theo đại biểu, trong các hành vi giáo viên không được làm chỉ quy định cấm ép học sinh học để thu tiền, còn không quy định việc dạy thêm. Điều đó đặt ra vấn đề: Nếu đã thực hiện đủ chương trình giáo dục vậy có cần dạy thêm và học thêm hay không? Trong khi trước đây chúng ta chỉ dạy thêm cho học sinh yếu không theo kịp chương trình và học sinh giỏi để chuẩn bị đi thi.

“Nên có hành lang pháp lý để điều chỉnh việc dạy thêm vì học sinh đi học trên lớp không được giảng dạy đủ kiến thức nên nhiều khi nội dung bài dạy trên lớp được mang vào các buổi dạy thêm. Hiện hành lang pháp lý liên quan đến dạy thêm của thầy và trò chưa được quy định trong luật, do vậy cần có tiêu chuẩn quy định quyền nhà giáo được làm như thế nào và giám sát ở các buổi học thêm”- đại biểu Thanh Hải ý kiến.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói: Chúng ta cấm học thêm nhưng tại một số địa phương có tình trạng giờ học thêm dạy kiến thức chính, còn giờ học chính lại dạy kiến thức khác cho nên các cháu nói phải đi học thêm vì không đi học thêm thì chỉ được 5 điểm, còn học thêm thì thi được 8 điểm. Không ép nhưng vấn đề chính là ở chỗ đó.

Nêu rõ trước đây học thêm chỉ dành cho học sinh kém thì thầy tổ chức 10 buổi phụ đạo trước khi thi hay phụ đạo để thi đội tuyển nhưng hiện nay diễn ra quanh năm ngày tháng đến khi kết thúc năm học. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, quy định cấm ép buộc học sinh để thu tiền là chưa bao quát hết, mà phải quy định cấm cố ý không dạy hết kiến thức trong giờ học chính để tổ chức dạy thêm. Quy định đó cần đưa vào trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giáo dục./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN