“Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc”
(ĐCSVN) - Ngày 31/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo Khoa học “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc - Tinh hoa văn hóa Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có đại diện cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; lãnh đạo và đại biểu các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, cùng đông đảo tướng lĩnh, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong và ngoài quân đội.
Trình bày báo cáo Đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài và vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, một trong những vấn đề Người luôn quan tâm, trăn trở hàng đầu đó là: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức của dân tộc, làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó trong mọi giai đoạn cách mạng.
Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho cách mạng Việt Nam tiếp tục giành được thắng lợi. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc, chúng ta đang gặp trở ngại bởi lối làm việc chưa đúng, chưa khéo trong Đảng và chính quyền. Vì vậy, dù bộn bề công việc trong những ngày ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ - nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện rõ quan điểm của Người về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Với nội dung sâu sắc, toàn diện về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước ta, mỗi câu, mỗi ý tác phẩm nói lên những việc cụ thể cần làm và nên làm như thế nào để công tác của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị được hoàn thành tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Nhiều đại biểu cho rằng, để vận dụng, phát huy giá trị tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong tình hình mới, ngoài thống nhất với các nhóm giải pháp lớn được xác định trong Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị cần gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, phải mạnh mẽ, kiên quyết trong quản lý, rèn luyện và đổi mới tác phong, lề lối làm việc; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng mẫu mực về phẩm chất đạo đức và lối sống; luôn đoàn kết, thống nhất và gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu và kính trọng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
Đồng thời, cần tăng cường tự phê bình và phê bình trong Đảng; thực hiện đúng nguyên tắc tính Đảng, tính khoa học, nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; tiếp tục phát huy vai trò nêu gương làm trước, lời nói gắn liền với việc làm của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo sức lan tỏa sâu rộng…/.