Từ 1/8, lỗi vi phạm luật giao thông có thể bị xử phạt lên tới 75 triệu đồng
(ĐCSVN) - Kể từ ngày 1/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có những lỗi vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng nhằm tăng tính răn đe, giáo dục. Theo đó, mức phạt cao nhất do người đứng đầu ngành (Cục trưởng) ra quyết định xử phạt lên tới 75 triệu đồng.
Một người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm bị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra.
Trước đó, ngày 26/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014, trong đó một số lỗi vi phạm sẽ bị phạt rất nặng nhằm tăng sự răn đe.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Một điểm mới, được quy định tại Điều 79 của Nghị định, trong đó quy định cho phép lực lượng chức năng (người có thẩm quyền xử phạt) được sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Điều này đồng nghĩa với việc cảnh sát giao thông sẽ có thêm quyền xác minh thông tin, hình ảnh do các tổ chức trên cung cấp để làm căn cứ xử phạt vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, Nghị định nêu rõ, việc sử dụng các phương tiện, thiết bị phải đảm bảo được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Khoản 2, Điều 64, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đó là tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức; tuân thủ quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Đối với người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại hình ảnh phải đảm bảo các tiêu chí sau: là nhân viên của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; được tập huấn về quy trình thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan.
vi phạm giao thông bị xử phạt mức cao nhất 75.000.000 đồng.
Ngoài ra, tại Điều 72, Nghị định 46 của Chính phủ quy định về thẩm quyền của Công an nhân dân khi thi hành công vụ; đáng chú ý, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ lên tới 40 triệu đồng, mức phạt cao nhất đối với vi phạm quy định trong lĩnh vực giao thông đường sắt là 75 triệu đồng và do người đứng đầu ra quyết định.
Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 400.000 đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 500.000 đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.
Trạm trưởng, đội trưởng cảnh sát giao thông có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1,2 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 1,5 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.
Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất, quyền xử phạt tương ứng với số tiền 2 và 2,5 triệu đồng; được tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền theo quy định.
Trưởng công an cấp huyện; trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; trưởng phòng công an cấp tỉnh (trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng cảnh sát trật tự, trưởng phòng cảnh sát phản ứng nhanh, trưởng phòng cảnh sát giao thông, trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt); thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, có quyền phạt tiền đến 8 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 15 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện.
Giám đốc công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 37,5 triệu đồng trong lĩnh vực giao thông đường sắt; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền theo quy định.
Cục trưởng cảnh sát giao thông, cục trưởng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có quyền phạt tiền đến 40 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 75 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính./.