Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Truyền thông góp phần phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí

Thứ Hai, 19/12/2022 15:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng nâng cao nhận thức trong cộng đồng, thúc đẩy công tác chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí.

Đây là nhấn mạnh của các đại biểu tại Hội thảo “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 19/12/2022.

Truyền thông góp phần phát hiện sớm, can thiệp sớm 

TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Chủ trì Hội thảo, TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, việc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí có vai trò đặc biệt quan trọng tới hiệu quả của công tác can thiệp, trị liệu.  

Khẳng định vai trò của công tác truyền thông trong công tác này, TS Trần Doãn Tiến nhấn mạnh, việc đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí là rất cần thiết, trong đó báo chí giữ vai trò trung tâm. Truyền thông với vai trò và trách nhiệm xã hội đối với trẻ tự kỷ và người rỗi nhiễu tâm trí cần đem lại nhận thức đúng đắn và nêu bật được tầm quan trọng của việc chăm sóc, can thiệp sớm, toàn diện đối với trẻ tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí.

Theo TS Trần Doãn Tiến, ngày càng nhiều chuyên mục của các loại báo nói, báo hình, báo viết và các phương tiện truyền thông khác đề cập tới vấn đề này để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về rối nhiễu tâm trí, chứng tự kỷ. Thông qua truyền thông, nhiều gia đình, cộng đồng và cộng tác viên nắm được một số kiến thức, kỹ năng cần thiết để trợ giúp người thân, đối tượng của mình tại cộng đồng, trang bị cho gia đình, cộng đồng một số kỹ năng sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp đối với trẻ tự kỷ, người rối nhiễu trâm trí.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về lĩnh vực này thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mặc dù đã có nhiều bài viết, tin tức về lĩnh vực này nhưng việc tuyên truyền còn thiếu trọng điểm, nhận thức và hiểu biết về công tác xã hội nói chung, công tác xã hội đối với người có sức khỏe tâm thần nói riêng ở nhiều cơ quan báo chí còn khá mơ hồ nên việc tuyên truyền còn nhiều hạn chế; vấn đề kỳ thị với người rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ vẫn còn...

TS Trần Doãn Tiến cho biết, sau Hội thảo, những ý kiến tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp, kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành hữu quan để có những định hướng thông tin tuyên truyền về lĩnh vực trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí với các cơ quan báo chí.

Vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông

Cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông, ông Vũ Trùng Dương, Chánh văn phòng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, vào thời điểm tuần 2 của tháng 12/2022, chỉ cần gõ phím tìm kiếm trên Google với thuật ngữ Tự kỷ ra được: Khoảng 90.500.000 kết quả trong 0,41 giây; Rối loạn phổ tự kỷ: Khoảng 2.130.000 kết quả trong 0,40 giây; Chứng tự kỷ: Khoảng 42.600.000 kết quả trong 0,51 giây; Trẻ tự kỷ: Khoảng 56.100.000 kết quả trong khoảng 0,40 giây. Và khi vào YouTube, chúng ta cũng có thể tải hằng trăm ngàn Clip liên quan nói về tự kỷ, trẻ em tự kỷ.

 
Ông Vũ Trùng Dương, Chánh văn phòng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo 

Ông Vũ Trùng Dương nhấn mạnh, vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng để nâng cao nhận thức, giáo dục vận động xã hội cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em; phát hiện, can thiệp sớm với trẻ em tự kỷ trong cộng đồng.

Theo ông, truyền thông nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ trẻ em tại cộng đồng sẽ giúp nhận thức của các gia đình và cộng đồng được nâng cao sẽ góp phần phát hiện sớm và can thiệp sớm trẻ tự kỷ, đẩy nhanh tốc độ và tính hiệu quả của các chương trình hỗ trợ, có ý nghĩa thiết thực trong công tác phòng ngừa và chữa trị cho trẻ tự kỷ. Đồng thời góp phần xóa bỏ các hiểu biết sai lệch về trẻ tự kỷ, tránh kỳ thị trẻ và gia đình trẻ.

Ông phân tích, xuất phát từ việc hiểu chưa đúng về tự kỷ, chưa đủ cảm thông đối với trẻ và gia đình trẻ tự kỷ, nhiều người có thái độ khó chịu hoặc xa lánh trẻ do những điều phiền toái đôi lúc trẻ mang lại như la hét, quấy phá, hoặc có những hành lạ lùng. Việc xa lánh của cộng đồng đối với trẻ, khiến trẻ mất đi môi trường được giao tiếp, tương tác mà nhờ vào nó trẻ có thể cải thiện các khiếm khuyết của mình. Nhiều gia đình không cho con cái chơi cùng với trẻ tự kỷ vì sợ thiếu an toàn trước hành vi của trẻ. Gia đình trẻ cũng vì thế sẽ dần mất đi các mối quan hệ và giảm sự tham gia các hoạt động xã hội - mà đáng ra, họ có thể được hỗ trợ tâm lý trong lúc khó khăn và có cơ hội tiếp cận thêm các nguồn lực khác. 

Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng là một mảng nội dung quan trọng khi thực hiện kế hoạch.

Theo ông, để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tự kỷ, cán bộ có thể làm việc với chính quyền địa phương để lồng ghép vào các cuộc họp khu dân cư, các cuộc họp trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức xã hội, trong các nhóm và câu lạc bộ hiện có trong cộng đồng, đặc biệt là trong tổ chức Đoàn và Hội phụ nữ. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ còn có thể được thực hiện thông qua các cuộc tọa đàm, truyền thông về sức khỏe tâm thần, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Để làm được điều này, cán bộ sẽ làm việc với các nhà chuyên môn, mời tới buổi nói chuyện tại địa phương. Vai trò của cán bộ quản lý trường hợp lúc này là kết nối, điều phối tạo điều kiện cho cuộc nói chuyện được diễn ra thành công.

Cụ thể, theo ông, cán bộ quản lý có thể làm việc với cán bộ Hội hoặc chính quyền, đặt vấn đề về nhu cầu có buổi nói chuyện về chăm sóc sức khỏe tâm thần - trong đó có vấn đề về trẻ tự kỷ. Tùy theo quy mô hoặc đối tượng được cung cấp kiến thức mà việc đặt vấn đề này ở cấp Chính quyền hay ở cấp Hội. Để truyền thông về vấn đề trẻ tự kỷ, các tổ chức Hội thường được hay tập trung nhiều là các gia đình, cá nhân trong độ tuổi có con nhỏ như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... 

Sau khi được sự thống nhất của chính quyền địa phương, Hội, cán bộ sẽ cùng với chính quyền địa phương/Hội dự kiến kế hoạch cụ thể: về con người tham gia, thời gian, nguồn lực như địa điểm, kinh phí... phù hợp với bối cảnh địa phương.

Cán bộ sẽ trực tiếp liên lạc với các cơ quan, các nhà chuyên môn để đề nghị tham gia chia sẻ các kiến thức về sức khỏe tâm thần, hay vấn đề trẻ tự kỷ. Những cơ quan, cá nhân đang làm trong lĩnh vực này có thể là các bác sỹ tâm thần trong các bệnh viện tâm thần, hoặc trong các trung tâm, cơ sở tư nhân điều trị tự kỷ tại địa bàn, một số địa phương khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực chuyên môn này sẽ có thể tìm kiếm các bác sỹ đa khoa thay thế. Họ có thể trình bày tổng quan về sức khỏe tâm thần và tự kỷ.

Khi có được sự nhất trí của cơ quan, nhà chuyên môn, kế hoạch chính thức được thông qua, cán bộ thực hiện việc tổ chức triển khai buổi nói chuyện tai địa bàn. Cán bộ chính thức mời các cá nhân trong cộng đồng (có chủ đích - nếu quy mô nhỏ).

Cán bộ chủ động hỗ trợ giải quyết các vấn đề này sinh liên quan tới tổ chức trong suốt tiến trình nói chuyện của chuyên gia, lắng nghe các phản hồi và mong đợi của người dân để có thể xây dựng các chủ đề cho các buổi nói chuyện tiếp theo liên quan tới chăm sóc sức khỏe tâm thần, vấn đề tự kỷ của trẻ em. 

Đề cập đến ứng dụng phương pháp truyền thông SCREAM, ông Vũ Trùng Dương nhấn mạnh, đây là một tập hợp các phương pháp giáo dục - truyền thông được nhìn nhận là một sáng kiến có tính sáng tạo và đổi mới trong giáo dục và vận động xã hội để giúp thúc đẩy quyền trẻ em, mở rộng sự hiểu biết và nâng cao nhận thức về trẻ tự kỷ tại cộng đồng nơi các em sinh sống. Cốt lõi của SCREAM là giúp mọi người bắt đầu một cuộc hành trình của mình từ chỗ chưa biết, chưa quan tâm đi đến nhận biết rồi chuyển biến thành nhận thức và kiến tạo hành động để tạo nên sự thay đổi.

"Những phương pháp này được điều chỉnh phù hợp điều kiện địa lý, văn hoá khác nhau. Ở Việt Nam, SCREAM cần được kế thừa, phát triển, điều chỉnh và bổ sung để phù hợp với các điều kiện địa lý, văn hóa địa phương. Sắm vai và kịch là một trong những phương pháp truyền thông SCREAM đem lại hiệu quả cao trong truyền thông về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em tự kỷ" - ông Vũ Trùng Dương nói./.

  
Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN