Trường THCS An Khánh - Hà Nội: Hành trình 62 năm xây dựng và phát triển
(ĐCSVN) - Xuyên suốt chặng đường 62 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò trường THCS An Khánh luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Xác định đổi mới giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm và là thước đo chất lượng, từ đó mọi hoạt động của trường đều hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện học sinh, xứng đáng là điểm sáng ngành giáo dục huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Trong suốt chặng đường phát triển của mình, trường THCS An Khánh xác định rõ sứ mệnh: xây dựng một môi trường học tập tốt nhất về nề nếp, kỷ cương, thân thiện với chất lượng cao để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển toàn diện cũng như tài năng và tư duy sáng tạo; một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả cho toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường để từ đó có hoạch định chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của nhà trường...Trong mỗi hoạt động, mỗi bước đổi mới của nhà trường phải kể đến sự đóng góp to lớn của đội ngũ các nhà giáo. Bên cạnh những nhà giáo đã có nhiều năm công tác, đội ngũ giáo viên của trường đã được bổ sung thêm những giáo viên trẻ, có năng lực, trình độ chuyên môn và tâm huyết với nghề. Sự đan xen giữa các thế hệ nhà giáo đã tạo nên một đội ngũ giáo viên mạnh cả về chất và lượng, gây dựng uy tín với học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.
Cô Nguyễn Thị Huyền – Hiệu trưởng nhà trường dâng hương tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An. Ảnh: TL |
Bên cạnh đó, nhà trường có nhiều thầy, cô giáo đạt thành tích trong công tác quản lý, giảng dạy. Tiêu biều có Cô giáo Nguyễn Thị Huyền – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường được Liên đoàn lao động huyện tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đạt giải Nhất cuộc thi Nhà giáo tâm huyết sáng tạo huyện Hoài Đức, đạt Sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố, được Bằng khen của chủ tịch UBND thành phố. Tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện: có 06 giáo viên tham gia thi cả 06 giáo viên đều được công nhận. Trong đó: Cô giáo Hoàng Thị Thúy Hoa đạt giải Nhất môn Ngữ Văn, Cô giáo Nguyễn Thị Tươi đạt giải Nhì môn Sử, Cô giáo Nguyễn Thị Hoa đạt giải Ba môn Lý…và còn nhiều thầy cô trong nhà trường đã đạt được những thành tích rất đỗi tự hào.
Hiện nay, 100% giáo viên nhà trường đạt trình độ chuẩn, đội ngũ giáo viên đều tận tâm, hết lòng vì học sinh. Trên cơ sở xây dựng đội ngũ giáo viên vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề, Trường THCS An Khánh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý; thực hiện nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh tăng cường bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Đồng thời, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”...
Trường THCS An Khánh tiền thân là trường phổ thông nông nghiệp An Khánh, được thành lập tháng 9/1961, được đặt tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Khi mới thành lập, trường chỉ có 2 lớp với gần 100 học sinh và 4 thầy cô giáo, cơ sở vật chất còn chưa có, phải đi học nhờ ở đình làng Vân Lũng. Sau này trường được đổi tên thành trường phổ thông cấp II An Khánh, tháng 7/2002 UBND huyện Hoài Đức quyết định đổi tên thành Trường THCS An Khánh.
Gắn kết nhà trường với gia đình và học sinh
Với phương châm xây dựng nhà trường, gia đình và học sinh luôn là một khối gắn kết cô Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: xây dựng được khối đại đoàn kết trong nhà trường. “Làm sao để nhà trường như một ngôi nhà thứ 2, ở đó có đầy đủ sự yêu thương, là nơi mà bất cứ thầy cô giáo nào không đến là sẽ thấy nhớ”. Cô Huyền cho rằng: “Chuyên môn vững, nhân cách tốt và tình yêu thương là những điều thầy cô giáo cần có và nhất thiết phải có”. Do đó, thường xuyên nâng cao bồi dưỡng nghiệp vụ cũng là việc tối quan trọng và phải được thực hiện song song, đồng thời với bồi đắp tình yêu thương.
Cùng với đổi mới phuong pháp học tập, nhà trường gắn kết học sinh thông qua các hoạt động ngoại khoá với nội dung phong phú để qua đó giáo dục học sinh nhà trường biết sống sẻ chia, hướng thiện. Các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh không ngừng được đổi mới để tạo được sân chơi lành mạnh cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Trong buổi.hoạt động trải nghiệm kỹ năng sinh tồn, các em đã được trải nghiệm về Kỹ năng xác định phương hướng, các hoạt động thể thao: kéo co, bóng đá..., Tham quan tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Việt Nam. Qua đó, các con đã được tiếp xúc với môi trường thiên nhiên, nâng cao thể lực, hình thành và rèn kĩ năng sống, gắn kết bạn bè ...
Đặc biệt, để phát triển toàn diện học sinh, nhà trường luôn gắn giáo dục văn hóa với giáo dục nhân cách, kỹ năng sống. Mỗi giờ trên lớp, trong từng bài giảng, học sinh nào còn chưa hiểu, chưa rõ đều được các thầy, cô giáo chỉ bảo, hướng dẫn tận tình. Đồng thời, nhà trường quan tâm tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo nhiều sân chơi bổ ích, lý thú, thu hút sự tham gia tích cực của các em học sinh. Bên cạnh đó, để quản lý tốt học sinh, nhà trường còn phối hợp thường xuyên với gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp nắm bắt tâm tư, khích lệ các em học sinh có thành tích học tập tốt cũng như có biện pháp giáo dục hiệu quả đối với những học sinh yếu kém.
Từ những việc làm thiết thực này mà phong trào thi đua dạy và học trong nhà trường trở nên sôi nổi, theo đó chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên qua từng năm học.
Rèn luyện kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa
Cùng với học tập, nhà trường luôn chú trọng công tác rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, tính sáng tạo trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân.
Trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức, như: Thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi...
Trường THCS An Khánh cũng phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào hoạt động văn hóa, văn nghệ… Trong buổi ngoại khóa, các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức hỏi - đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu, thực tế, gần gũi với đời sống, phù hợp tâm lý lứa tuổi; tổ chức các trò chơi "học mà chơi, chơi mà học" giúp cho các em học sinh yêu thích và hào hứng tham gia.
Trước thực trang nguy cơ mất an toàn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, trong đó không ít nạn nhân là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học 2022-2023, ngành giáo dục huyện Hoài Đức, trường THCS An Khánh đã triển khai mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" và mô hình "Ðội tuyên truyền an toàn giao thông" trong các lớp học, "Hỗ trợ học sinh tham gia an toàn giao thông"… Từ mô hình, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, văn hóa giao thông cho học sinh.
Đặc biệt qua các hoạt động trải nghiệm thực tế các em được thực hành một số kỹ năng sơ cứu cơ bản khi bị đuối nước với mục tiêu tạo nên sự tự lập, tự tin cần thiết cho học sinh trong cuộc sống hằng ngày.
Trải nghiệm các hoạt động thực tế giúp các em nâng cao sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng sống
Với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, những hoạt động ngoại khóa như thế này không chỉ giúp các em học sinh có thêm những kiến thức từ thực tế cuộc sống mà còn giúp các em rèn luyện tính tự lập, sinh hoạt tập thể, hiểu được một phần trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội”.
Chị Dương Thị Thu Phương – phụ huynh học sinh lớp 6A1 cho cho biết, khi nhận được thông tin về kế hoạch đi trải nghiệm thực tế năm 2023 tại Hoàng Thành Thăng Long, Khu trải nghiệm Cánh Buồm Xanh chị đã đăng ký tham gia vì qua nhiều năm cho con đi học tập trải nghiệm nhận thấy con đã tự tin, mạnh dạn hơn khi giao tiếp với bạn bè, thu nhận được thêm nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa – xã hội bổ ích, và những kỹ năng thiết thực với các con.
Những dấu ấn thành tích đuọc ghi nhận
62 năm trôi qua, một chặng đường có thể chưa dài so với lịch sử của dân tộc, nhưng, với ngôi trường THCS An Khánh thì đó không phải là ngắn, từ mái trường này đã có biết bao thăng trầm, đổi thay, không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng.
Trong nhiều năm qua, Trường THCS An Khánh luôn được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc cấp cấp tỉnh, cấp thành phố, là lá cờ đầu khối THCS của ngành Giáo dục tỉnh Hà Tây cũ năm học 1999-2000.
Bên cạnh đó, trường còn vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng 3 năm 2005 của Đảng và Nhà nước trao tặng. Năm 2012 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và năm 2019 được công nhận lại.
Năm học 2020-2021 vừa qua, nhà trường có 1 giáo viên đạt giải Ba thành phố môn Tiếng Anh, 8 giáo viên giỏi cấp huyện trong đó có 1 giải Khuyến khích môn Toán và 1 giải Ba thi CNTT; 1 giáo viên đạt giải Nhì Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng cấp huyện; 10 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A cấp huyện; 1 học sinh đạt giải Ba cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” cấp thành phố năm 2020.
Về danh hiệu, với Học sinh giỏi (HSG) văn hóa, nhà trường có 40 HSG cấp huyện, 1 HSG cấp thành phố (giải Nhì).
Với HSG Thể dục thể thao (TDTT), nhà trường có 8 học sinh đạt giải TDTT cấp huyện, đội bóng đá nhất cấp huyện và 6 học sinh đạt huy chương đồng bóng đá cấp thành phố. Liên đội đạt giải Nhất trong Hội thi Ca khúc măng non cấp huyện, đạt Liên Đội mạnh cấp Thành phố, được bằng khen của Hội đồng đội Trung ương. Học sinh của trường giành HCV bóng đá thành phố năm học 2018-2019.
Học sinh của trường giành HCV bóng đá thành phố năm học 2018-2019. Ảnh: TL. |
Công đoàn được tặng Cờ thi đua xuất sắc của LĐLĐ thành phố. Trường đạt Đơn vị Tiên tiến về thể dục thể thao cấp thành phố, đạt Cơ quan đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2019-2020.
Với nhiều thành tích nổi trội như vậy năm học 2020-2021 nhà trường đã được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cá nhân đồng chí Hiệu trưởng – Nguyễn Thị Huyền được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu.
Với những nỗ lực đó, trong 5 năm gần đây nhà trường có 03 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp thành phố, 36 giáo viên giỏi cấp huyện.
Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nhiệt tình, năng động sáng tạo, tập thể các thầy, cô giáo Nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Luôn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tập thể ban lãnh đạo nhà trường đã nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của giáo viên,các bậc phụ huynh và học sinh trong trường.
Phát huy truyền thống và những thành tích nổi bật ấy, trong thời gian tới Trường THCS An Khánh sẽ tiếp tục xây dựng nhà trường phát triển toàn diện; xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của lãnh đạo và nhân dân địa phương và là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ học sinh đã gắn bó với mái trường./.