Trường nghề làm gì để thu hút thí sinh?
(ĐCSVN) - Hai trở ngại lớn trong công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2020 được các chuyên gia đào tạo nghề chỉ ra, đó là: tâm lý e ngại học nghề và cạnh tranh cơ hội tuyển sinh với các trường đại học.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Bộ GD&ĐT quyết định năm nay chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm độ khó cho các thí sinh; đồng thời, tăng số lượng trường ĐH xét tuyển học bạ đồng nghĩa với thí sinh trúng tuyển vào ĐH dễ dàng hơn bao giờ hết. Thời gian xét tuyển ĐH dự kiến kéo dài hết tháng 2/2021 cũng ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường nghề, nhất là khi không ít thí sinh có tâm lý trượt ĐH mới nghĩ đến trường nghề. Trong khi số thí sinh chọn trường nghề ngay từ đầu chiếm tỷ lệ không nhiều.
Một buổi giảng dạy lý thuyết kết hợp thực hành tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: Minh Ngọc) |
Trước thực tế này, Tổng cục GDNN đã hướng dẫn các trường, địa phương thực hiện một số giải pháp tuyển sinh. Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho biết: để thu hút học sinh lựa chọn trường nghề, Tổng cục yêu cầu các trường thiết lập những chuyên trang tuyển sinh trên website của nhà trường, mạng xã hội (Zalo, Facebook,...) để truyền thông, tư vấn tuyển sinh online nhằm tiếp cận với nhiều đối tượng. Các trường bổ sung những công cụ hỗ trợ trực tuyến trên website và cử giáo viên thường xuyên theo dõi, tư vấn và giải đáp thông tin tuyển sinh cho thí sinh, hỗ trợ đăng ký dự tuyển. Cùng với đó là xây dựng chương trình, ấn phẩm truyền thông để cung cấp tới học sinh...
Đến nay, nhiều trường đã thông báo tuyển sinh theo hình thức online, như trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghệ cao Hà Nội, CĐN Công nghiệp Hà Nội, CĐN Bách khoa Hà Nội, CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội...
Trường nghề đồng hành với doanh nghiệp trong tuyển sinh
Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho hay: “Năm nay, trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh trong cán bộ, giáo viên; gắn với học sinh và bằng nhiều hình thức khác nhau như qua mạng xã hội, báo, đài. Nhà trường sẽ kết hợp với DN đồng hành trong tuyển sinh. Đây chính là giải pháp mới chỉ trường Công nghệ cao Hà Nội mới có. Không chỉ thế, trường còn ký đầu ra với DN và DN có những cơ chế chính sách học bổng, ký hợp đồng với sinh viên tuyển vào làm việc khi tốt nghiệp”.
Bên cạnh đó, Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội cũng mở nghề mới Thương mại điện tử phục vụ xu hướng thị trường việc làm trong nước và các ngành ngôn ngữ (Tiếng Nhật, Hàn, Đức) tạo điều kiện cho sinh viên học xong có thể làm việc ở các DN nước ngoài. Trường cũng có nhiều chương trình đào tạo quốc tế hấp dẫn, chương trình vừa học vừa đi làm tại DN giúp sinh viên có thêm kỹ năng và thu nhập.
Trao đổi về công tác tuyển sinh đào tạo nghề, TS Nguyễn Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội cho biết: Từ giữa tháng 5/2020 nhà trường thực hiện nhiều phương án nhưng chủ yếu tuyển sinh online đối với các đối tác đã kết nối. Năm nay, trường triển khai chương trình đào tạo kép và đào tạo theo chương trình của Đức, Austraylia, SV tốt nghiệp được cấp 2 bằng (1 bằng Việt Nam, 1 bằng Đức/Austraylia). Do đào tạo theo đơn đặt hàng nên sinh viên được thực tập trên thiết bị thực tế trong DN, nhận hỗ trợ 4,5 triệu đồng/tháng, ra trường làm việc cho DN với mức lương tốt.
Bà Nguyễn Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội thông tin: Từ tháng 5/2020, để đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm cũng như phù hợp với đối tượng học sinh học nghề, trường mở thêm 5 nghề mới, trong đó có 2 nghề trình độ CĐ (Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Quản trị mạng máy tính) và 3 nghề trình độ trung cấp (Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Thiết kế đồ họa, Thiết kế trang web) phù hợp với học sinh học theo mô hình 9+”.
Cũng như vậy, Trường CĐN Bách khoa Hà Nội quyết định mở nhiều ngành mới. Theo đó, Trường tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu cho 17 nghề, với 4 đợt xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT; từ ngày 1/6 bán hồ sơ. Đồng thời, để đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Trường sẽ tuyển nghề mới Thương mại điện tử đáp ứng xu hướng hiện nay, với 35 chỉ tiêu; và mở 3 chương trình chất lượng cao: Cơ điện tử, Thiết kế đồ họa, Điện tử công nghiệp.
Bên cạnh những giải pháp đó, điều quan trọng nhất đối với các trường nghề là phải tạo được sự tin tưởng của xã hội, phụ huynh và học sinh. Muốn vậy, công tác đào tạo nghề phải bảo đảm chất lượng và có đầu ra với thu nhập khá. Bởi vậy, ký cam kết với người học về tạo việc làm, đó chính là giải pháp bền vững đang được nhiều trường thực hiện./.