Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trường ĐH Ngoại thương đầu tư gần 18 tỷ đồng cho các Chương trình nghiên cứu

Thứ Tư, 27/01/2021 22:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Các Chương trình nghiên cứu (CTNC) được Trường ĐH Ngoại thương đầu tư trọng điểm nhằm gắn kết các nhà khoa học, thúc đẩy các nghiên cứu mũi nhọn, liên ngành để giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn đặt ra; đồng thời hướng tới chuyển giao tri thức, mô hình, công cụ quản lý và quản trị tiên tiến cho các Cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngày 27/1, tại Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương đã công bố triển khai 25 Chương trình nghiên cứu (CTNC) trong giai đoạn 2021-2023, trong đó có 08 CTNC thuộc Nhóm 1 và 17 thuộc CTNC Nhóm 2. Được phát triển từ các Nhóm nghiên cứu đã triển khai như các cơ sở giáo dục đại học khác, các CTNC là một bước đột phá trong việc thúc đẩy nghiên cứu.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương trao Quyết định cho các CTNC thuộc nhóm 1. Ảnh: VA 

Cụ thể, các CTNC nhóm 1 được đầu tư trọng điểm, hướng tới các công bố quốc tế có uy tín cao, mang tính chất dẫn dắt, hình thành các hướng nghiên cứu mũi nhọn của Nhà trường. Sản phẩm chính là các công bố quốc tế có uy tín cao, thuộc danh mục SCI/SSCI/A&HCI có IF cao hoặc xếp trong nhóm Q1 của danh mục Scopus.

Các CTNC nhóm 2 hướng tới huy động và đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ thông qua các nghiên cứu có chất lượng quốc tế. Sản phẩm chính là các công bố quốc tế có uy tín, thuộc danh mục SCI/SSCI/A&HCI hoặc Scopus từ nhóm Q3 trở lên.

Ngoài ra, bên cạnh mục tiêu công bố quốc tế, các CTNC hướng tới mục tiêu chuyển giao tri thức, mô hình, công cụ quản lý, quản trị cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp. Đây vốn là thế mạnh của Nhà trường trong hoạt động khoa học.

Phát biểu tại buổi Lễ công bố, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: Cách đây 4 năm Nhà trường đã thành lập 23 Nhóm nghiên cứu giai đoạn 2017-2019. Sau một thời gian triển khai, các Nhóm nghiên cứu đã thực hiện 59 công bố quốc tế và 69 công bố trong nước. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những kết quả và hạn chế trong việc triển khai các Nhóm nghiên cứu, với phương châm tạo đột phá cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, Nhà trường đã xây dựng, ban hành Quy định và triển khai các Chương trình nghiên cứu bắt đầu thực hiện từ năm 2021.

Các CTNC được Trường ĐH Ngoại thương đầu tư trọng điểm nhằm gắn kết các nhà khoa học, thúc đẩy các nghiên cứu mũi nhọn, liên ngành để giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn đặt ra; nâng cao năng lực nghiên cứu và tư vấn của đội ngũ; hướng tới gia tăng các công bố khoa học, đặc biệt là các công bố quốc tế có uy tín cao; đồng thời hướng tới chuyển giao tri thức, mô hình, công cụ quản lý và quản trị tiên tiến cho các Cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, và cộng đồng doanh nghiệp.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết thêm, các CTNC của Nhà trường tập trung vào 04 định hướng nghiên cứu, bao gồm: Kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội; Đổi mới thể chế kinh tế, xã hội hướng tới phát triển bền vững; Đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp; Tái cơ cấu và đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Tổng kinh phí chi cho 25 CTNC là gần 18 tỷ đồng. Một CTNC nhóm 1 có kinh phí lên tới hơn 1,4 tỷ đồng. Một CTNC nhóm 2 có kinh phí lên tới hơn 800 triệu đồng. Các CTNC đã huy động hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài trường tham gia trong đó hơn 150 nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị trong trường. Các CTNC đã đăng ký trên 130 sản phẩm, trong đó có hơn 90 sản phẩm công bố quốc tế có uy tín cao.

Việc xây dựng các CTNC của Trường Đại học Ngoại thương là một chính sách khoa học công nghệ đột phá nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức trong bối cảnh mới./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN