Trung ương đã làm nghiêm, địa phương thì sao?
(ĐCSVN) - Từ cổ chí kim, tham lam được xem là một căn bệnh lớn nhất trong thiên hạ. Chẳng những thế, “bệnh tham” còn dễ mắc hơn mọi căn bệnh. Cho nên người xưa nói: Thanh liêm là một đức quý nhất và cũng khó rèn luyện nhất trong các đức.
Quan thanh liêm thì ở thời nào, đất nước nào chẳng có, nhưng quan tham nhũng cũng không phải ít. Những bài học để đời về đạo làm quan lấy chữ liêm làm trọng luôn đúng trong mọi thời thế.
Người cán bộ có đức, có tài bao giờ cũng đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, với mục tiêu lo cho dân là trên hết và trước hết. Nay nhiều cán bộ nói thì "hay như sách", nhưng làm thì không như vậy. Bất kể công việc gì, đầu tư xây dựng ở đâu; đề bạt, cất nhắc ở chỗ nào, nhiều "quan tham" cũng nghĩ tới những khoản "hoa hồng", "lại quả" béo bở. Chưa có chức thì chạy chức. Có chức rồi thì “chạy” để lên cao hơn và tìm cách "thu hoạch" để “bù đắp” các khoản đã... chạy. Cái vòng xoáy ham chức, hám tiền luôn đeo bám những kẻ cơ hội, kém tài, vô đức. Các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Nguyễn Xuân Sơn… đã và đang minh chứng cho sự tha hóa đó.
Thời gian qua, Đảng ta đã chú trọng đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn Đảng; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; thiết lập các chế tài đủ mạnh vừa mang tính trừng phạt vừa mang tính răn đe đối với những kẻ tham nhũng, tiêu cực. Các đại án tham nhũng trong thời gian vừa qua đã và đang được xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Trong khí thế chung của cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo, mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết luận đề nghị thi hành kỉ luật đối với hai lãnh đạo cao nhất TP. Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP. Huỳnh Đức Thơ, cùng một số cán bộ khác. Theo đó, những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh được đánh giá là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cụ thể, ông Xuân Anh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội. Còn nhớ, báo chí đã từng đưa tin, ông Nguyễn Xuân Anh từng có những tuyên bố hùng hồn:“...Nếu ai phát hiện và tìm hiểu ra tôi có một lô đất nào khác ngoài căn nhà đang ở 43 Nguyễn Thái Học tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí từ chức Bí thư Thành uỷ” (phát biểu cuối năm 2015); và nữa, ngày 11/8/2016 “...Ở Đà Nẵng tôi mong là tất cả chúng ta, kể cả tôi ăn cái gì đó mà không phải e ngại, ăn uống có tự do mới ngon. Bỏ vào mồm mà còn lo lắng thì ăn cái gì?”.
Phải chăng, đây là "mẫu điển hình" của việc “nói như quả núi, làm như hòn cuội”?
Nói phải đôi với làm. Nói ít làm nhiều thì mới được dân tin. Một tấm gương cán bộ có giá trị hơn gấp nhiều lần những lời hứa suông. Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chiều 13/5/2017, nói về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng đề cập đến quốc nạn tham nhũng. Nhân dân mong muốn làm mạnh thêm vì chưa đạt yêu cầu. Gần đây cũng có tiến bộ, nhất là từ năm 2016 đến nay, bao nhiêu vụ đưa ra xét xử, từ Trung ương đến địa phương. Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương hàng năm đều có các đoàn đi kiểm tra tại địa phương. Tuy nhiên, đúng là có nhiều điều vẫn chưa hài lòng...
Người lãnh đạo cao nhất đã đánh giá thực chất tình hình và thể hiện quyết tâm rất cao của Trung ương. Theo đó, Trung ương đã gương mẫu, chuyển động rất tích cực; vậy còn các bộ, các ngành, các địa phương thì sao? Có hay không ở nơi này, nơi khác còn có hiện tượng co cụm, bao che cho sai phạm, hoặc đẩy hết khó khăn lên Trung ương, Chính phủ? Đã có không ít địa phương báo cáo trong cả năm không phát hiện ra tham nhũng, vậy thông điệp "đẹp như mơ" này đúng hay sai???
Nhân dân đang mong muốn, cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc quyết liệt và quyết liệt không ngừng để chống tham nhũng. Trong cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" này, nhân dân đã và đang phấn khởi vì "Lò đã nóng" và đã thấy có cả "củi khô, củi tươi" đang được đốt cháy. "Cần phải giữ cho lò nóng mãi, để tiếp tục thiêu đốt những "củi tham nhũng" đã và đang tàn phá đất nước ta" - Đó là niềm hy vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.