Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trung Quốc truy quét tài khoản đăng tin đồn, bịa đặt

Thứ Ba, 14/03/2023 14:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cơ quan giám sát Internet hàng đầu Trung Quốc đã phát động chiến dịch trực tuyến mới nhắm vào các nhà điều hành truyền thông tự thân, bao gồm tài khoản mạng xã hội cá nhân, hoạt động độc lập, không chịu sự quản lý của công ty hay tổ chức nào và xử phạt những tài khoản cá nhân tung tin giả, bịa đặt nhằm câu view, kiếm tiền.

Hầu hết nền tảng trực tuyến Trung Quốc đều xuất hiện các nhà điều hành truyền thông tự thân. 

Theo thông báo được đưa ra ngày 12/3, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc cho biết sẽ xử phạt những nhà điều hành truyền thông tự thân lan truyền tin đồn và các tài khoản bắt chước cơ quan chính quyền, đồng thời chấn chỉnh nguồn “thu nhập bất hợp pháp” của họ. Chiến dịch này dự kiến kéo dài hai tháng, Sixth Tone đưa tin.

Các nhà điều hành truyền thông tự thân đề cập đến những tài khoản cá nhân sản xuất và truyền bá nội dung gốc trên các nền tảng truyền thông xã hội nhưng chưa đăng ký với chính quyền.

Thời gian đầu, số lượng tài khoản này tăng mạnh ở các ứng dụng như WeChat và Weibo. Nhưng hiện, chúng dần lan rộng sang hầu hết nền tảng trực tuyến lớn, bao gồm các ứng dụng video ngắn và phát trực tiếp. Bất chấp sự phổ biến, các tài khoản điều hành truyền thông tự thân bị cáo buộc là nguồn cung cấp thông tin sai lệch và giật gân do thiếu quy trình biên tập tiêu chuẩn. Chúng chủ yếu dựa vào nội dung như vậy để thu hút lượng người xem cao, từ đó chuyển thành doanh thu và đầu tư quảng cáo.

Chiến dịch mới nhất của cơ quan giám sát Internet tuyên bố sẽ loại bỏ những tin đồn bịa đặt và thông tin sai lệch trên không gian trực tuyến, đặc biệt là những tin tức liên quan đến chính sách công, xu hướng kinh tế vĩ mô, thảm họa và các chủ đề xã hội lớn.

Các nhà chức trách cũng cho biết sẽ đặc biệt nhắm vào các tài khoản bắt chước, giả mạo cơ quan chính phủ và các tổ chức tin tức có uy tín, cùng với những tài khoản tự xưng “chuyên gia” đưa ra lời khuyên về y tế và pháp lý trực tuyến. Các nền tảng trực tuyến cũng được cơ quan này yêu cầu “tự chấn chỉnh”, theo thông báo hôm 12/3. Điều này có nghĩa rằng họ phải chủ động phát hiện các vấn đề và giải quyết chúng trước khi chính quyền bắt tay vào hành động.

Những nền tảng không tuân thủ sẽ phải đối mặt với các hình phạt, bao gồm bị đình chỉ một số tính năng, bị phạt tiền và bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng.

Trước đó, tháng 12/2022, cơ quan đã tăng cường quản lý cả các nền tảng trực tuyến lẫn người dùng. Theo đó, người dùng Internet sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ lượt “thích” nào đối với các bài đăng được coi là bất hợp pháp và lạm dụng. Cùng với đó, tất cả trang web trực tuyến phải có “nhóm kiểm tra và chỉnh sửa”. Sau khi trải qua đào tạo, nhóm này có nhiệm vụ theo dõi, báo cáo và xóa những nội dung đăng tải vi phạm quy định.

Hướng dẫn mới được đưa ra trong thời điểm giới chức Trung Quốc xem xét kỹ lưỡng nội dung trực tuyến, nhằm cố gắng làm sạch và thúc đẩy giá trị xã hội trên không gian mạng. Họ đặt trách nhiệm lớn hơn lên các trang truyền thông xã hội - nơi đang thực hiện các quy tắc riêng để quản lý người dùng.

Đầu năm ngoái, một số nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm Douyin, Weibo và WeChat, bắt đầu hiển thị vị trí IP của người dùng trên trang hồ sơ cá nhân và bài đăng để bảo vệ không gian mạng. Tháng 8 cùng năm, ứng dụng Weibo cũng cho biết những bình luận của người dùng về một số bài đăng cụ thể sẽ được hiển thị trên trang cá nhân. Hành động này nhằm cảnh báo họ nên thận trọng với những phát ngôn trực tuyến./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN