Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trung Quốc phản đối Mỹ siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn

Thứ Ba, 11/10/2022 12:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này kiên quyết phản đối quy định mới của Mỹ về kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc, cho rằng quy định này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp 2 nước và đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Trung Quốc phản đối việc Mỹ siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn, cho rằng quy định này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp 2 nước. (Ảnh: Reuters) 
Theo người phát ngôn trên, thông qua sự nỗ lực chung của Trung Quốc và Mỹ, 9 thực thể Trung Quốc đã được xóa tên khỏi danh sách “chưa được xác minh”, nhận được sự hoan nghênh của doanh nghiệp hai nước Trung Quốc và Mỹ. Điều này cho thấy, hai nước có thể tìm ra các giải pháp có lợi cho doanh nghiệp đôi bên chỉ cần tuân thủ nguyên tắc hợp tác chân thành.

Tuy nhiên, Mỹ lại tiếp tục đưa 31 thực thể của Trung Quốc vào danh sách “chưa được xác minh”, và tiếp tục tăng cường biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực chất bán dẫn và các lĩnh vực khác.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ dừng ngay “những hành động sai trái” và đối xử không công bằng với các doanh nghiệp đến từ tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc. Đồng thời nhấn mạnh, những động thái mới của Mỹ vi phạm tinh thần hợp tác giữa hai bên, gây tổn hại các quyền lợi của doanh nghiệp Trung Quốc cũng như lợi ích thương mại của các nhà xuất khẩu Mỹ. Quan chức này kêu gọi tất cả các bên tăng cường hợp tác và cùng xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu an toàn, ổn định và hiệu quả. 

Trước đó, ngày 7/10, Mỹ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế năng lực của Trung Quốc trong việc mua và sản xuất những dòng chíp công nghệ cao, khiến quan hệ song phương thêm căng thẳng.

Theo các quy định mới, các công ty Mỹ không được phép cung cấp chip cao cấp, thiết bị sản xuất chip và một số sản phẩm công nghệ khác cho Trung Quốc trừ khi có giấy phép đặc biệt. Các hạn chế xuất khẩu của Mỹ nhắm đến các chip cao cấp, thường được sử dụng để vận hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, các công ty Mỹ cũng không được bán công cụ sản xuất chip nhớ và chip logic cao cấp cho Trung Quốc nếu chưa có giấy phép.

Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua dự luật lưỡng đảng, cung cấp 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn nhằm thúc đẩy ngành bán dẫn của Mỹ cạnh tranh với các sáng kiến khoa học và công nghệ của Trung Quốc.

Đạo luật mang tên "Chip và Khoa học" sẽ bao gồm khoản trợ cấp trị giá 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn. Đạo luật cũng sẽ bao gồm khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy chip, ước tính trị giá 24 tỷ USD. Khoản tiền còn lại sẽ được sử dụng trong 10 năm để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã  và đang huy động các nguồn lực để phát triển năng lượng siêu máy tính và tìm cách trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Theo giới quan sát, các động thái mới nhất này của Mỹ và Trung Quốc cho thấy, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đã bước sang một giai đoạn mới, không chỉ dừng lại ở cạnh tranh địa chính trị, xuất khẩu hàng hóa, Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng cạnh tranh sang cả lĩnh vực khoa học và công nghệ./.

H.Hà (Theo Xinhua, Reuters)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN