Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trọng tâm chiến lược khí hậu của Tổng thống Mỹ

Thứ Sáu, 02/04/2021 15:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Với kế hoạch đầu tư 2.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, Tổng thống Joe Biden đồng thời tiết lộ trọng tâm của chiến lược khí hậu, trong đó nêu chi tiết các định hướng chính của chiến lược này nhằm đạt được các mục tiêu môi trường đặt ra cho nước Mỹ.

 Tua bin gió ở California vào ngày 22/4/2016. (Ảnh: AFP)

Dự án rộng lớn phải đưa Mỹ đi đúng hướng để giữ hai lời hứa hàng đầu của Đảng Dân chủ: Đưa mức ô nhiễm trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ xuống 0 vào năm 2035 và để nền kinh tế nước này đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2050.

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 1/4, Cố vấn về môi trường quốc gia của Nhà Trắng Gina McCarthy nói: “Chúng tôi tin rằng với những khoản đầu tư này (...), chúng tôi có thể biến (những cam kết này) thành hiện thực". "Vâng, nó táo bạo, và chúng tôi nghĩ đó chính xác là điều đúng đắn nên làm” – bà khẳng định.

Kế hoạch của của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước hết tập trung vào việc chuyển đổi lĩnh vực ô tô, đầu tư 174 tỷ USD để "giành lại thị trường xe điện", chẳng hạn bằng cách thúc đẩy chuỗi cung ứng của Mỹ hoặc trang bị lại các nhà máy. Kế hoạch này cũng dự kiến xây dựng một mạng lưới quốc gia gồm 500.000 trạm sạc vào năm 2030 và chuyển sang sử dụng điện cho 20% xe buýt học sinh.

Sau đó, kế hoạch tấn công vào lĩnh vực năng lượng (100 tỷ USD đầu tư), bao gồm việc mở rộng các lợi thế về thuế nhằm khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Và các tòa nhà của Mỹ sẽ chỉ sử dụng năng lượng "sạch".

Trên hết, kế hoạch này đề xuất đưa ra một biện pháp bắt buộc các nhà cung cấp điện phải bảo đảm rằng một tỷ lệ năng lượng được bán nhất định đến từ các nguồn không thải ra CO2 (Tiêu chuẩn Điện sạch).

Bà Gina McCarthy cho biết: “Đây là một trong những cách tốt nhất để giảm (phát thải) mà chúng tôi đang tìm kiếm”.

Cố vấn về môi trường quốc gia của Nhà Trắng cũng nhắc lại các kế hoạch nhằm thúc đẩy các trang trại điện gió ngoài khơi bờ biển bang New York và New Jersey với mục tiêu cung cấp năng lượng cho hơn 10 triệu hộ gia đình trên toàn quốc vào năm 2030. Tuyên bố hồi tuần trước của Nhà Trắng cho biết mục tiêu của kế hoạch này là sản xuất được 30 gigawatt điện gió vào năm 2030.

Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Dan Lashof, Giám đốc Viện Tài nguyên Thế giới tại Mỹ, cho biết: "Hai nguồn gây ô nhiễm lớn nhất ở Mỹ là giao thông và sản xuất năng lượng, và kế hoạch này có những cam kết mạnh mẽ đối với cả hai". "Nó đầy tham vọng. Tôi nghĩ đó là kế hoạch phù hợp vào đúng thời điểm" – ông nói thêm và gọi dự án này là "nền tảng trong chiến lược khí hậu" của Tổng thống Joe Biden.

Còn theo ông Amol Phadke, nhà khoa học tại UC Berkeley, tập trung chủ yếu vào sản xuất điện là điều phải làm: "Bạn khử carbon trong lĩnh vực năng lượng, sau đó bạn cấp điện cho các lĩnh vực khác". Do đó, ô tô chạy bằng điện tự sản xuất mà không thải ra khí nhà kính. Nhà nghiên cứu, tác giả của một báo cáo về cách Mỹ có thể đạt được 100% năng lượng sạch vào năm 2035, đánh giá điều đó rất logic và ý nghĩa. Theo tài liệu này, 90% điện năng của nước Mỹ có thể được sản xuất bằng các công nghệ hiện có, đặc biệt là gió và mặt trời. Đối với 10% còn lại, những cải tiến mới sẽ là cần thiết, và do đó, ông Amol Phadke hoan nghênh các khoản đầu tư vào nghiên cứu đã được công bố.

Chiến lược khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn hỗ trợ các dự án hydro, nhiên liệu sinh học, hạt nhân... khi kêu gọi Quốc hội dành 35 triệu USD "cho các đột phá công nghệ" để "giảm lượng khí thải". Một trong những giải pháp được đề cập là thu giữ carbon, ví dụ như ngành công nghiệp thép hoặc xi măng, cho phép lưu trữ nó, thay vì thoát ra ngoài khí quyển. Tuy nhiên, lựa chọn này không làm hài lòng tất cả các tổ chức khí hậu khi tổ chức 350.org cho biết họ "thất vọng" bởi biện pháp này "sẽ chỉ cho phép các nhà máy gây ô nhiễm tiếp tục hoạt động".

Hiện nay, 37% điện năng ở Mỹ đã được sản xuất mà không phát thải khí nhà kính (20% hạt nhân, 17% năng lượng tái tạo, bao gồm một phần lớn năng lượng thủy lực).

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy một số biện pháp bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu nhằm nhanh chóng đưa Washington trở lại quỹ đạo nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông đã ký hàng loạt sắc lệnh, bao gồm yêu cầu Bộ Nội vụ Mỹ ngừng cho thuê mới các khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trên các vùng đất và vùng biển công, đồng thời bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các giấy phép hiện hành về phát triển nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng cam kết bảo tồn 30% diện tích đất và nước của liên bang đến năm 2030 và tìm cách tăng gấp đôi sản lượng điện gió ngoài khơi cũng trong thời gian này.

Tuy nhiên, những chính sách này dự báo sẽ không mấy dễ dàng để đàm phán với đảng Cộng hòa khi ông Mitch McConnell, Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện hôm 1/4 đã cam kết sẽ "đấu tranh từng bước" với kế hoạch mà theo ông bao gồm đầu tư "nhiều tiền cho ô tô điện hơn là cầu đường". Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện của đảng Dân chủ Nancy Pelosi cho biết bà muốn thông qua kế hoạch này vào đầu tháng 7 tới.

Có thể nói những chính sách mới vừa công bố cho thấy ứng phó với biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ là ưu tiên và trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ này của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, để đạt được thống nhất, sẽ còn nhiều việc phải làm và nhiều tháng để tranh luận./.

Khánh Linh (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN