Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trên thì quyết liệt, dưới thờ ơ: Chuyện lạ “giấy phép” con

Thứ Sáu, 19/10/2018 15:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Lãnh đạo thuộc thẩm quyền cục, chi cục ban hành “giấy phép” con là một trường hợp điển hình về việc các thủ tục hành chính tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh.

Đây là thông tin được đưa từ cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với 05 bộ về cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm các điều kiện kinh doanh diễn ra ngày 17/10.


Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm  TP. HCM: “Các DN đã ký kết hợp đồng nhập khẩu
lúa mì với nước ngoài như ngồi trên lửa”. (Ảnh: C.Luân)

Chính phủ thì quyết liệt

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.

Theo tổ công tác, tổng cộng còn 2.277 điều kiện cần tiếp tục cắt giảm và so với mốc thời gian Thủ tướng giao phải hoàn thành (15/8/2018) thì đã quá 2 tháng 2 ngày, cần quyết liệt thực hiện. Danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã giảm cơ bản.

Tình trạng cắt giảm không thực chất vẫn tồn tại như gom 2 thành 1, hoặc cắt cái nọ mọc cái kia. Năm 2017, các doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng cho kiểm tra chuyên ngành với trên 100.000 mặt hàng phải kiểm tra, nhưng chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng có vi phạm, tức là tỷ lệ rất thấp.

“Trước đây, có mặt hàng do 4 bộ kiểm tra, có mặt hàng do 2-3 cơ quan trong một bộ kiểm tra, nhưng nay mỗi mặt hàng chỉ giao 1 bộ và 1 đơn vị của bộ, không còn chồng chéo như trước”, ông Mai Tiến Dũng nói. Ông cũng cho biết thời gian qua đã đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau, công nhận kết quả kiểm tra của các đơn vị, đối tác nước ngoài.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, tỷ lệ 50% được tính chung cho các điều kiện kinh doanh bị cắt giảm (bãi bỏ) và đơn giản hóa (sửa đổi). Có nghĩa là, một điều kiện kinh doanh được bãi bỏ cũng tính tương đương với một điều kiện được sửa đổi. Điều kiện được sửa đổi, đơn giản hóa khá đa dạng: có những đề xuất chỉ sửa đổi vài câu chữ trong khi bản chất không thay đổi/tính chất đơn giản hóa không đáng kể; có những đề xuất chỉ sửa đổi theo hướng hạ thấp điều kiện…

Với những kết quả tích cực đã làm được, có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận tích cực, chúng ta đã mang lại niềm tin cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy doanh nghiệp rất mong mỏi và đó là động lực để chúng ta tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn, có những kết quả rõ ràng hơn. Các doanh nhiệp vỡ òa hạnh phúc khi Nghị định 15/2018 của Chính phủ thay thế Nghị định 38/2016 về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được ban hành. Có những lá thư từ doanh nghiệp gửi cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ sự vui mừng, phấn chấn; doanh nghiệp cũng cam kết với Chính phủ sản xuất kinh doanh tốt hơn, đàng hoàng hơn.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự quyết tâm của các bộ, ngành trong việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Bởi nếu làm tốt cải cách này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng trưởng, tham gia sản xuất, kinh doanh bình đẳng theo quy định pháp luật.

Dưới lại ban hành văn bản trái thẩm quyền, ảnh hưởng niềm tin của doanh nghiệp

Theo bà Lý Kim Chi  - Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nêu vấn đề gay go nhất đối với ngành thực phẩm hiện nay là “10 ngày qua, các doanh nghiệp ngành thực phẩm khốn đốn vì công văn quy định không được nhập khẩu lúa mì vào Việt Nam nếu có dính hạt cỏ, trong khi mấy chục năm nay, vẫn nhập bình thường. Mà đây là lệnh của Cục, Chi cục chứ không phải của Bộ trưởng”.

Các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm lại đang lao đao vì một văn bản của Cục Bảo vệ thực vật. Công văn mà bà Lý Kim Chi nhắc đến là Thông báo số 95 của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I. Công văn này nhằm thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/11/2018, các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại cirsium arvense (cây kế đồng theo tên gọi Việt Nam) sẽ bị xử lý theo hình thức tái xuất. Nguyên nhân do loại cỏ này có nguy cơ ảnh hưởng môi trường nông nghiệp và lúa gạo xuất khẩu Việt Nam.

Cũng về vấn đề này, đại diện Hiệp hội lương thực thực phẩm TP. HCM cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với nước ngoài đang “náo loạn” như ngồi trên lửa. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm dừng thời gian thực hiện yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật về việc tái xuất các lô hàng lúa mì nhập khẩu kiểm dịch thực vật nhiễm cỏ kế đồng. Bởi sau lệnh này của cơ quan quản lý, đối tác Mỹ, Canada… đã gửi thư đề nghị hủy hợp đồng xuất, nhập khẩu đã ký. Hiệp hội lương thực thực phẩm TP.HCM  nêu: “Chúng tôi đã gửi thư kêu cứu. Rất may là sau khi gửi thư kêu cứu, đề nghị xin lùi thời gian áp dụng quy định trên thì ngay hôm sau nhận được tin nhắn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đang xử lý vụ việc”.

Theo tính toán, mỗi chuyến tàu nhập lúa mì trị giá khoảng 20 triệu USD, tương đương gần 500 tỉ đồng, nếu buộc phải tái xuất thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Chưa kể mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 4-5 triệu tấn lúa mì từ đối tác truyền thống như: Mỹ, Nga, Canada..., nếu chuyển đổi sang quốc gia khác thì khó đáp ứng về giá và chất lượng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Ngay cả cục trưởng cũng không có thẩm quyền ban hành văn bản như vậy. Văn bản như vậy tác động rất nhiều đến hoạt động kinh doanh, phải tham khảo ý kiến đối tượng tác động và thời điểm hiệu lực văn bản phải có độ trễ, không thể chặt đứt như vậy”. Việc Chi cục ban hành văn bản như vậy là không đúng thẩm quyền, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu hồi văn bản sai phạm trên, đồng thời tiếp tục đánh giá về tác động toàn diện từ việc tạm dừng nhập khẩu lúa mì để có giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần cán bộ, công chức chỉ được làm những gì luật cho phép. “Không thể lãnh đạo thuộc thẩm quyền cục, chi cục ban hành văn bản pháp luật. Về pháp lý thì việc ban hành này không đúng thẩm quyền, cho thấy sự lộng hành trong ban hành văn bản pháp luật” - ông Mai Tiến Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Dũng cũng tỏ ý buồn khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết liệt trong gỡ bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhưng cấp dưới vẫn tồn tại sai sót.

Câu chuyện nêu trên có thể nói là điển hình của việc làm tắc trách của cơ quan chức năng về việc ban hành văn bản trái thẩm quyền tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, làm cho niềm tin của doanh nghiệp bị nghi ngờ. Việc làm này cũng đi ngược lại tinh thần của Chính phủ về cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt trong cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu nhằm thực hiện chỉ tiêu do Chính phủ đề ra là thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh doanh, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, thì việc lãnh đạo thuộc thẩm quyền cục, chi cục ban hành văn bản pháp luật về pháp lý là không đúng thẩm quyền, làm thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Thiết nghĩ, các cán bộ, công chức cần phải lấy đây là bài học để sửa chữa, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ được giao, không gây cản trở và phiền hà cho doanh nghiệp trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp./.

Nguyễn Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN