Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trẻ hóa tội phạm - một vấn nạn đáng lo ngại

Thứ Hai, 04/01/2016 16:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây chấn động dư luận trong năm 2015, chúng ta không khỏi rùng mình về tính chất côn dồ, hung hãn, manh động trong các vụ án, nhưng điều lo ngại lớn hơn - đó là tình trạng trẻ hóa tội phạm.


Các bị cáo trước vành móng ngựa trong phiên xét xử vụ thảm án tại Bình Phước.
 Ảnh: Báo Tiền phong

Liệt kê sơ bộ như: Vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước gây chấn động dư luận suốt một thời gian dài, do đối tượng Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) và đồng phạm Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước), Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) gây ra. Trước đó, do có mâu thuẫn tình cảm với con gái ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) là Nguyễn Thị Ánh Linh nên Dương đã lên kế hoạch tỉ mỉ để sát hại cả gia đình bạn gái.

Thực hiện kế hoạch, Dương rủ Thoại đến nhà ông Mỹ giết người, cướp tài sản và được Thoại đồng ý. Tuy nhiên, sau đó Thoại không tham gia cùng Dương với lý do về quê thăm bà ngoại bị ốm. Dương liền rủ Tiến tham gia. Rạng sáng 7/7/2015, Dương cùng Tiến vào nhà ông Mỹ, ra tay sát hại lần lượt 6 mạng người và cướp đi một số tài sản.

Năm tháng sau vụ thảm sát, ngày 17/12, ba bị cáo Dương, Tiến, Thoại bị đưa ra xét xử lưu động tại Bình Phước, trước sự căm phẫn của hàng nghìn người dân. Hai án tử hình dành cho Dương, Tiến và 16 năm tù dành cho Thoại là hình phạt thích đáng. Song vụ việc vẫn để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi về sai lầm của tuổi trẻ và những “đại diện” của cái ác đang dần trẻ hóa với những lý do “lãng xẹt” kiểu như giết người chỉ vì hận tình!

Tiếp đó là thảm án đau lòng xảy ra ở Nghệ An, hung thủ ra tay sát hại 4 người chỉ vì mâu thuẫn bột phát. Cụ thể trưa 2/7, trong lúc đi hái chanh, Vi Văn Hai (SN 1995, huyện Tương Dương, Nghệ An) xảy ra mâu thuẫn, xô xát với anh Lo Văn Thọ (cùng ở Tương Dương). Anh Thọ dùng tay đánh Hai nhưng bị hụt. Tên Hai tức giận, lấy dao chém anh Thọ nhiều nhát liên tiếp cho đến chết. Sau đó, Hai còn chém tử vong bà Dương (mẹ anh Thọ), chị Yến (vợ anh Thọ) và bé Lo Việt Chung (con anh Thọ). Tính đến thời điểm gây án, hung thủ còn khá trẻ, tuy nhiên tính chất manh động, côn đồ hung hãn khi gây án của hắn thì khó có thể chấp nhận được. Xét thấy hành vi của Vi Văn Hai là mất hết nhân tính, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên án tử hình bị cáo này tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 30/9.

Chiều ngày 12/8, do tranh chấp nương rẫy dẫn tới cãi vã, Đặng Văn Hùng (26 tuổi, ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã dùng dao chém tử vong 4 người họ hàng của mình gồm: Anh Long (23 tuổi), chị Hoa (20 tuổi, vợ anh Long), bé Tuyền (con trai 2 tuổi của vợ chồng anh Long) và em Hà (15 tuổi, em ruột chị Hoa). Gây án xong, Hùng ép người tình Nguyễn Thị Hán (36 tuổi) chạy trốn vào rừng trước khi sa lưới  pháp luật vào ngày 15/8. Ngày 28/10, TAND tỉnh Yên Bái tuyên án tử hình đối với Hùng. 

Nghiêm trọng hơn, từ một vụ án mạng mà cơ quan điều tra đã phát hiện ra hung thủ từng gây ra hàng loạt vụ án trước đó. Cụ thể, chiều 30/8, một người dân đi tìm dê đã phát hiện thi thể tài xế taxi Hoàng Thế Vinh (35 tuổi, ở Đắk Lắk) bị chôn trong khu vực đổ rác tại tổ 6, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Cơ quan điều tra làm rõ, anh Vinh bị Kiều Quốc Huy  (27 tuổi, ở Đắk Lắk) sát hại, cướp ô tô.

Đáng chú ý là trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện Huy liên quan đến việc mất tích của vợ chồng anh Hoàng Bình, chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (cùng SN 1984, nhà ở Bảo Lâm) nên mở rộng điều tra. Đến đêm 26/9, Huy khai nhận trước cơ quan điều tra, vợ chồng anh Bình đã bị đối tượng này sát hại vào tháng 3/2012, rồi ném xác xuống giếng cũ cạnh nhà nạn nhân để phi tang. Khai quật giếng theo lời khai của Huy, cơ quan điều tra tìm thấy hài cốt vợ chồng anh Bình bị vùi lấp dưới đất, đá, rác.

Từ một số vụ trọng án trên, một điểm rất chung mà chúng ta dễ dàng nhận thấy, đó là tuổi đời của các hung thủ tại thời điểm gây án còn rất trẻ. Khi gây án ra mạng chấn động dư luận ở Bình Phước, Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến mới 24 tuổi, Trần Đình Thoại 27 tuổi. Thảm án ở Nghệ An, Vi Văn Hai mới 20 tuổi. Vụ tranh chấp nương rẫy ở Yên Bái, thời điểm dùng dao chém chết 4 người, hung thủ Đặng Văn Hùng mới 26 tuổi. Kiều Quốc Huy - kẻ gây ra nhiều vụ giết người ở Lâm Đồng mới 27 tuổi. Như vậy, tình trạng trẻ hóa tội phạm đang thực sự rất đáng báo động, ngày càng diễn biến phức tạp và trên đà gia tăng,… Điều này đang hàng ngày, hàng giờ đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan điều tra, cơ quan tham mưu phá án trong lĩnh vực tội phạm học.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, có thể xuất phát từ hoàn cảnh gia đình của người phạm tội. Cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái; quá nuông chiều hoặc quá kỳ vọng vào con cái đều có thể dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Đáng nói là cha mẹ nghiện ngập, cờ bạc, làm ăn phi pháp, có tiền án tiền sự, ly hôn, đánh đập con cái... cũng có thể dẫn đến việc các em bị lôi kéo vào con đường phạm pháp.

Đặc biệt, đối với tâm lý của các hung thủ còn ở tuổi vị thành niên cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tuổi này đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, còn non nớt về nhận thức nên dễ bị tác động từ môi trường sống. Do đó, khi không được gia đình, nhà trường quan tâm giáo dục, dạy dỗ sẽ dẫn tới dễ bị lôi kéo, lợi dụng để phạm tội.

Bên cạnh đó là sự thay đổi quá nhanh của môi trường xã hội, cùng với các loại hình tội phạm như: Trộm cắp, ma túy, mại dâm... Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, nhận thức về hành vi pháp luật kém.

Và hậu quả, tồn tại trong xã hội hiện nay là một bộ phận giới trẻ có tư tưởng coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác và của chính mình. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không. Đây là một thực trạng đáng báo động đối với các gia đình, nhà trường và toàn xã hội khi không có những biện pháp giáo dục, định hướng cho giới trẻ một cách đầy đủ trong môi trường hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay. Hệ quả tất yếu là những vụ thảm án như chúng ta đã biết.

Từ tình trạng tội phạm ngày một trẻ, phức tạp và đang gia tăng ở mức “báo động”, cùng tính chất hung bạo của đối tượng gây án khi tuổi đời còn khá trẻ đang thực sự là một “vấn nạn”, một bài toán hóc búa đặt ra cho toàn xã hội. Thiết nghĩ, để nhận biết và phòng ngừa những sát thủ ở độ tuổi này, thì vai trò của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội là yếu tố quan trọng. Chúng ta phải kịp thời nắm bắt được tâm lý của con em mình, giúp cho các em vượt qua những cú sốc về tâm lý và tình cảm, trong đó có tình yêu nam nữ. Đặc biệt, không nên quá nuông chiều về vật chất cũng như tinh thần; đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyên giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhà trường, xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ. Bên cạnh đó, các cơ quan an ninh, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, trấn áp tội phạm nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Trần Quang Chiến

 

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN