Trăn trở từ một vụ vi phạm hành lang quy hoạch rừng phòng hộ
(ĐCSVN) - Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mường Chà (Điện Biên) đã ra quyết định khởi tố 03 cá nhân ở bản Háng Lìa, xã Sa Lông (Mường Chà) do những hành vi vi phạm hành lang quy hoạch rừng phòng hộ. Quyết định này của cơ quan chức năng là hoàn toàn đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều điều trăn trở khi chúng ta nhìn vào điều kiện, hoàn cảnh của những hộ đồng bào thiểu số có người thân vi phạm... Và để tránh tái diễn những trường hợp vi phạm tương tự, thiết nghĩ chính quyền cơ sở cùng các cơ quan chức năng địa phương còn không ít việc cần làm.
Nguyên nhân đầu tiên khiến 3 hộ trong bản bị xử lý về tội phá rừng là không phân biệt được đâu là diện tích đất rừng
và đâu là khu vực có thể khai hoang, sản xuất. Ảnh QĐ
Để có thể hiểu cụ thể hơn về diễn biến sự việc, theo sự hướng dẫn của cán bộ xã Sa Lông, chúng tôi tìm đến nhà của ông Lý Sông Vàng ở bản Háng Lìa. Gọi là "nhà" nhưng nói thật là chỗ ở của gia đình ông Vàng rất tuềnh toàng được dựng trên vạt đất mới san gạt. Trong nhà, gần như không hề còn vật dụng gì có giá trị. Cái nghèo khó dường như hiện rõ nét nơi đây. Hướng ánh mắt đượm buồn ra xa rồi bằng chất giọng phát âm tiếng phổ thông chưa mấy thông thạo, ông Lý Sông Vàng kể lại cho chúng tôi lý do khiến ông vướng vào vòng lao lý.
Cách đây khoảng 1 năm, khi thấy công trình thủy lợi Hồ Sỹ Dính hoàn thành đưa vào sử dụng, ông Lý Sông Vàng đã rủ 2 cha con người em ruột là Lý Xà Giàng và Lý A Chu cùng với một số hộ dân trong bản Háng Lìa lên khu vực Hồ Sỹ Dính phát nương, khai hoang ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Đây là diện tích nương cũ mà người dân bản Háng Lìa bỏ hoang từ hơn 10 năm trước do không có nước sản xuất. Suốt trong quá trình bà con dân bản Háng Lìa đi phát nương, chính quyền xã Sa Long hoàn toàn không có ý kiến hoặc biện pháp ngăn chặn. Chính vì lẽ đó, những người dân bản Háng Lìa chỉ biết mình đã vi phạm pháp luật khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, đình chỉ, tịch thu phương tiện, tang vật và ra quyết định xử phạt.
Theo tìm hiểu, trong số hơn 10 hộ dân Háng Lìa đi phát nương lúc đó chỉ có 3 hộ: Lý Sông Vàng, Lý Xà Giàng và Lý A Chu bị cơ quan chức năng xử lý do vị trí họ phát nương xâm phạm khu vực quy hoạch rừng phòng hộ, trạng thái IIA. Trong đó, ông Lý Xà Giàng bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam về tội "hủy hoại rừng" còn hộ anh Lý A Chu và ông Lý Sông Vàng bị xử phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng/hộ. Giọng buồn bã, ông Lý Sông Vàng cho biết: "Gia cảnh nhà tôi như thế này, việc vi phạm là điều chẳng ai muốn. Giờ tiền nộp phạt không biết kiếm ở đâu. Đến thời hạn, chính quyền cưỡng chế thì cũng chẳng biết sống ở đâu nữa".
Tìm hiểu thêm được biết, không chỉ gia đình ông Lý Sông Vàng mà ngay với 2 hộ còn lại là cha con ông Lý Xà Giàng và Lý A Chu đều thuộc diện hộ nghèo, thường xuyên phải nhận trợ cấp của Nhà nước; tài sản trong nhà không có gì đáng giá. Trình độ nhận thức hạn chế nên bản thân những người vi phạm cũng không hề biết là việc phát nương ở khu vực công trình thủy lợi Hồ Sỹ Dính là vi phạm quy định của pháp luật. Gia cảnh những hộ này lại rất khó khăn, không đủ ăn đủ mặc nên việc áp dụng hình thức xử lý đối với họ cũng là điều "rất trăn trở" như cách nói của ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà. Song pháp luật vốn không loại trừ một ai...
Nên chăng có cách xử lý "hợp lý hợp tình"...
Dưới góc độ pháp lý, cần khẳng định là những hình thức xử lý đối với các hộ ông Lý Sông Vàng, Lý Xà Giàng và Lý A Chu là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật hiện hành, Tuy vậy, để việc xử lý thực sự có được hiệu quả giáo dục, răn đe lâu dài, nên chăng chúng ta có thể lưu tâm đến một số nét "riêng" của đồng bào dân tộc vùng cao, cụ thể là 3 hộ dân ở Háng Lìa liên quan trực tiếp đến vụ việc này?
Trước hết, cần nhận thấy việc người dân đi phát nương mở rộng diện tích lúa nước là một tín hiệu tích cực. Bởi lẽ, trước đây người dân bản Hàng Lìa vốn chỉ quen du canh, du cư, phát nương làm rẫy. Hơn nữa, diện tích này đã bị bỏ hoang hơn chục năm do không có nước phục vụ sản xuất. Công trình thủy lợi Hồ Sỹ Dính hoàn thành vào đầu năm 2015 đã bảo đảm nước tưới cho 24 ha. Vì thế, người dân trong bản Háng Lìa đã đua nhau đi khai hoang những diện tích nương cũ mà không lường trước được hậu quả. Do không có sự hướng dẫn của chính quyền và cơ quan kiểm lâm nên người dân không thể phân biệt được đâu là vị trí, địa điểm được phép phát nương và khu vực nào nằm trong phạm vi rừng phòng hộ không được xâm phạm. Riêng với 3 hộ trực tiếp liên quan đến vụ việc, do phần lớn diện tích nương ở vị trí thuận lợi đã dùng để góp đất trồng cao su với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên nên họ đã nỗ lực đi phát nương, khai hoang với mong muốn cải thiện đời sống nhưng không ai ngờ diện tích khai hoang đó lại nằm trong khu vực quy hoạch trồng rừng nên bị cơ quan chức năng lập biên bản và xử lý.
Sẽ thiếu đầy đủ nếu không đề cập đến trách nhiệm của chính quyền sở tại trong bám nắm tình hình, định hướng, hướng dẫn người dân khai hoang, phát triển sản xuất. Tại một địa bàn vùng sâu vùng xa với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số như bản Háng Lìa, nếu như chính quyền địa phương chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai hoang thì chắc chắn sẽ không thể xảy ra sự việc đáng buồn nêu trên. Tiếc là ở đây, chính quyền xã vẫn chưa thực sự sâu sát, chưa kịp thời nắm tình hình mà phải đến khi lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý thì lúc đó chính quyền cơ sở mới biết người dân vi phạm. Trong khi trên thực tế, Mường Chà là huyện đầu tiên của tỉnh Điện Biên hoàn thành công tác giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 388 của UBND tỉnh Điện Biên; rừng thuộc khu vực bản Háng Lìa (Sa Lông) đã được giao cho bản quản lý, bảo vệ và được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trưởng rừng nhưng chính người dân lại không xác định được khu vực nào là diện tích rừng cần bảo vệ, khu vực nào thuộc đất sản xuất canh tác. Ông Lý A Sùng, Trưởng bản Háng Lìa cho biết: "Nguyên nhân đầu tiên khiến 3 hộ trong bản bị xử lý về tội phá rừng là do chúng tôi không phân biệt được đâu là diện tích đất rừng và đâu là khu vực có thể khai hoang, sản xuất. Dù rất thương họ nhưng mọi người không biết làm thế nào vì điều kiện các gia đình ở đây cơ bản là còn khó khăn".
Sự việc này khiến chúng tôi chợt nhớ đến một vụ việc xảy ra chưa lâu trên địa bàn huyện Điện Biên (Điện Biên). Đó là năm 2013, 17 hộ dân bản Na Hai 1, xã Pom Lót, huyện Điện Biên vì thiếu đất sản xuất đã phá 8,3 ha rừng phòng hộ. Vi phạm này quá đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự song sau khi xem xét, chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Điện Biên đã nhất trí không truy cứu trách nhiệm hình sự mà thay vào đó, người dân bản Na Hai 1 phải góp tiền mua cây giống trồng lại rừng và cam kết thực hiện đúng việc xử phạt hành chính. Đến nay, rừng ở bản Na Hai 1 đã xanh tốt trở lại, và người dân cũng có ý thức tốt hơn trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Vẫn biết vi phạm quy định thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song thiết nghĩ, cũng cần căn cứ vào đối tượng, hành vi cụ thể để xử lý một cách linh hoạt, hợp lý nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những người vì nhiều lý do nên còn có hạn chế nhất định về nhận thức pháp luật. Với trường hợp 3 hộ vi phạm: Lý Sông Vàng, Lý Xà Giàng, Lý A Chu, việc xử lý theo quy định của pháp luật là đúng nhưng không phải không còn những trăn trở. Khát vọng vượt qua nghèo đói cùng việc thiếu hiểu biết pháp luật đã khiến họ xâm phạm khu vực quy hoạch trồng rừng trong khi bản thân họ không hề có ý thức cố tình vi phạm.
Bảo vệ, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những hành vi phá hoại rừng là điều hết sức cần thiết. Tuy vậy, trên cơ sở những trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng cũng cần có sự cân nhắc, với những chế tài xử phạt khác nhau để vừa có tính chất giáo dục răn đe nhưng cũng vừa thể hiện rõ sự khoan hồng của pháp luật, và nhất là tạo điều kiện cho người vi phạm có điều kiện sửa chữa, khắc phục sai phạm của mình. Đây chính là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương. Nên chăng, chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Mường Chà có thể tạo điều kiện cho 3 hộ dân ở bản Háng Lìa có cơ hội để họ vừa thực hiện trách nhiệm với pháp luật nhưng vừa có thể tiếp tục lao động sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình. Đồng thời, từ vụ việc này, chính quyền xã Sa Lông nói riêng và các cấp chính quyền cơ sở tại các tỉnh vùng cao nói chung cần chủ động hơn trong việc phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là tại các địa bàn có rừng phòng hộ và quy hoạch trồng rừng để không xảy ra những vụ việc vi phạm tương tự./.