Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trái phiếu & niềm tin

Thứ Hai, 31/10/2022 10:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Gần đây, với quá nhiều thông tin trái chiều về trái phiếu khiến không ít nhà đầu tư phân vân, lưỡng lự, thậm chí lo lắng, mất niềm tin. Thực tế minh chứng, đây vẫn là một kênh hút vốn quan trọng của thị trường vốn Việt Nam và thị trường này sẽ được “hâm nóng” lại khi cơ quan quản lý đang có những điều chỉnh để thị trường hướng tới minh bạch và an toàn hơn.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: vneconomy.vn)

Ở các thị trường phát triển, lâu nay, trái phiếu là kênh huy động vốn hữu hiệu, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng truyền thống cho các doanh nghiệp. Trái phiếu cũng là sản phẩm đầu tư hấp dẫn thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư cũng như tổ chức, qua đó nâng cao tính hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế. Tại Việt Nam, trong thời qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã có những bước phát triển vượt bậc đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn tương đối non trẻ. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên GDP của Việt Nam (khoảng 15% GDP) thấp hơn khá nhiều so các nước trong khu vực, như: Malaysia khoảng 50 - 60%, Singapore gần 40%, Thái Lan ở mức 30%... 

Những con số kể trên, đặc biệt khi quy mô nền kinh tế, GDP của Việt Nam ở “top đầu” ASEAN, cho thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa và yêu cầu phát triển kênh dẫn vốn này để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp, chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng. Nhất là khi, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP. Do đó, thị trường còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việc phát triển kênh trái phiếu một mặt giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống. Mặt khác, mở ra kênh đầu tư hấp dẫn hơn thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư cũng như tổ chức, từ đó nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư đang chứng kiến sự biến động rất nhanh và mạnh trên các thị trường cả quốc tế và trong nước. Đặc biệt, những thông tin trái chiều về các kênh đầu tư hiện hữu, trong đó có trái phiếu khiến không ít nhà đầu tư phân vân, lưỡng lự, thậm chí lo lắng và mất niềm tin. 

Thực tế, hoạt động nào cũng có rủi ro nhất định, đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ có lúc thị trường tăng, cổ phiếu tốt, nhưng cũng không ít cổ phiếu sụt giảm giá trị và thậm chí mất thanh khoản. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp về mức độ rủi ro thấp hơn cổ phiếu, thu nhập cố định cao hơn gửi tiết kiệm. Trong khi đó Bộ Tài chính đang thúc đẩy kế hoạch lập sàn giao dịch thứ cấp tập trung cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng thêm ưu thế và lợi ích ở kênh đầu tư này về tính thanh khoản.

Tại một buổi tọa đàm mới đây về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) thẳng thắn nhận định, thị trường mặc dù tăng trưởng nhanh từ năm 2019, nhưng trong quá trình vận hành một số lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường đã bộc lộ. Vì lẽ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm kiện toàn hơn nữa hoạt động thị trường và bảo đảm tất cả các thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm với việc tham gia thị trường, khi đã nắm rõ và có thông tin một cách đầy đủ.

Vừa qua, việc cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng đã mạnh tay loại bỏ những “con sâu” đơn lẻ làm xấu thị trường bất động sản, tài chính tuy có tác động mạnh đến thị trường cũng như tâm lý của nhiều nhà đầu tư, song đã giúp môi trường đầu tư bắt đầu trở nên lành mạnh, minh bạch hơn, bớt rủi ro hơn. 

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính, khi các thị trường đang vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, rủi ro và cơ hội đan xen lẫn nhau. Các nhà đầu tư cá nhân hiện đang sở hữu trái phiếu doanh nghiệp nên tìm hiểu chất lượng trái phiếu, uy tín của doanh nghiệp phát hành. Bởi, không phải trái phiếu nào cũng rủi ro vỡ nợ cao. Tại Việt Nam cũng chưa có tình huống doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả trong ngành bất động sản, có tỷ lệ đòn bẩy nợ thấp, một số đa dạng hóa được nguồn thu, chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt, dòng tiền trả nợ có thê đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu trong môi trường lãi suất gia tăng hiện nay.

Do đó, sẽ là điều đáng tiếc cho thị trường và tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá. Nếu vì lý do “trào lưu” mà nhà đầu tư xếp hàng thực hiện yêu cầu tất toán/mua lại trái phiếu ngay lập tức, thì doanh nghiệp dù tốt tự dưng trái phiếu của họ cũng thành “xấu”, hoặc bị rút đột ngột trước hạn chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém.

Nếu nhìn ở góc độ tính an toàn hệ thống tài chính thì những tác động dây chuyền từ trái phiếu có mức độ rủi ro là khá thấp mặc dù có thể sẽ có thêm một số trường hợp chậm trả lãi hoặc gốc nhưng chắc chắn chỉ mang tính chất đơn lẻ. Trong khi đó, thị trường đã ấm dần lên. Số dư trái phiếu doanh nghiệp vào cuối tháng 9/2022 giảm còn khoảng 1,3 triệu tỷ đồng do hoạt động mua lại gia tăng cũng như hoạt động phát hành mới có mức độ thấp. Trong số này, nếu trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành, thì trái phiếu doanh nghiệp do các đơn vị phi ngân hàng phát hành giảm, chỉ còn hơn 909.000 tỷ đồng, trong đó trái phiếu của ngành bất động sản vào khoảng 455.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), có hàng loạt doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn lên tới hơn 142.000 tỷ đồng, lượng phát hành thêm còn khá nhỏ. Mặt khác, các tổ chức cũng đã sẵn sàng cho áp dụng Nghị định 65 trong giai đoạn mới. Và điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn vào cuối năm mà còn có cơ hội đưa giai đoạn phục hồi của thị trường trái phiếu đến sớm hơn. 

Theo đó, VBMA dự báo, thị trường trái phiếu sẽ giải tỏa “cơn khát”, tăng trở lại trong thời gian tới, nhất là năm 2023. Bởi “sau cơn mưa trời sẽ sáng” - thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang “ấm lại” và ngày càng lành mạnh hơn, lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được củng cố, nâng cao, và ngày càng phát triển bền vững hơn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh hút vốn quan trọng của thị trường vốn Việt Nam. Sau giai đoạn bùng nổ 2019-2021, thị trường này sẽ được “hâm nóng” lại khi cơ quan quản lý đang có những điều chỉnh để thị trường hướng tới minh bạch và an toàn hơn.

Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu phát huy tốt nhất vai trò của mình, sẽ có nhiều vấn đề cần phải làm, từ việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng các tổ chức định mức tín nhiệm, hoàn thiện kết cấu thị trường, tạo lập đường cong lãi suất chuẩn…, và quan trọng hơn cả là xây dựng niềm tin với nhà đầu tư. Mặt khác, việc trang bị thêm những thông tin cơ bản để nhà đầu tư hiểu rõ hơn, từ đó vững tâm và tin tưởng vào tương lai, đặc biệt là sau khi Chính phủ có các động thái nhằm giúp thị trường trái phiếu phát triển ổn định và lành mạnh là rất cần thiết.

Bàn về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi đánh giá, trong 2 năm gần đây, thị trường trái phiếu có sự phát triển mạnh. Dù sôi động như vậy, nhưng rủi ro không thể nói được vì không có tiêu chí, cơ sở đánh giá, mà dựa trên những quy định chặt chẽ, đòi hỏi nhiều thứ, nhà đầu tư nhìn vào không biết trông chờ vào đâu. 

Nếu so với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu có sự minh bạch, rõ ràng hơn, cam kết cao hơn về hồ sơ, thủ tục… Tuy nhiên, cuối cùng nó vẫn phụ thuộc vào sức khỏe doanh nghiệp. Giả dụ, trong 100 mã trái phiếu an toàn, thì có 5 hay 7 mã chưa đạt, nhưng không nên vì rủi ro nhỏ mà ảnh hưởng niềm tin lớn, nguy cơ sập đổ cả thị trường. Do đó, nhà đầu tư phải biết phân biệt, sàng lọc, xem xét và lựa chọn trái phiếu. Nhà đầu tư cần đi sâu vào tình hình hoạt động, phân tích tình hình dòng tiền của doanh nghiệp, xem khả năng chi trả trái phiếu của doanh nghiệp, rủi ro về pháp lý của các dự án.

Thực tế cho thấy, điều quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp vẫn là chữ tín với khách hàng, bằng mọi cách doanh nghiệp phải chấp nhận thanh toán đúng gốc lẫn lãi. Chỉ một vài công ty từ trước đến nay có phương án, dự án không rõ ràng, huy động nhiều, song hiệu quả không thấy, tiếng tăm không thấy nhưng dính dáng đến hình sự thì rõ ràng là có vấn đề. Trong các đại án vừa qua, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng tài sản rất lớn mà không cầm cố, thế chấp vào đâu, nếu không chủ động xử lý, cơ quan chức năng sẽ xử lý. Việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng về cơ bản, nhà đầu tư sẽ không mất hết, song có thể không có lãi hoặc mất một phần.

Theo quan niệm của nhiều chuyên gia tài chính, “thị trường chứng khoán là vấn đề của dòng tiền, còn thị trường trái phiếu là vấn đề của niềm tin”. Trong thời gian qua có một cuộc khủng hoảng nhẹ về niềm tin trên thị trường trái phiếu. Một trong những nguyên nhân rất lớn của việc thiếu niềm tin là do rất thiếu thông tin đến nhà đầu tư, đặc biệt là với nhà đầu tư cá nhân.

Hiện tại, Việt Nam chưa có vụ vỡ trái phiếu nào, nhưng nỗi sợ vô hình rất lớn. Thị trường vẫn có trái phiếu tốt, trái phiếu xấu, nhưng nỗi sợ của thị trường là nỗi sợ chung. Sau quá trình phân tích, cũng có nhà đầu tư phản ứng tích cực, nhưng cũng có nhà đầu tư phản ứng tiêu cực. Điều này là do nhà đầu tư khá mù mờ về mặt thông tin còn thị trường thì đang thiếu đi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín.

Trăn trở về vấn đề khơi thông dòng vốn giúp cho phục hồi và phát triển kinh tế, trong phát biểu thảo luận của mình trên nghị trường Quốc hội chiều 28/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ) bày tỏ, cần sớm có giải pháp phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Giai đoạn vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, cơ bản giải quyết được những bất cập trước đây. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải có ngay các động thái để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư đã bị mất trong thời gian vừa qua để khôi phục sớm lại thị trường này để cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Chung quan điểm này, là một trong những doanh nhân tham gia tích cực vào các hoạt động hội nhập kinh tế, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), người từng là thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nhật, ủy viên ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên tư vấn Diễn đàn kinh tế thế giới... cũng chia sẻ, các thị trường phát triển, trái phiếu doanh nghiệp được phân loại rõ ràng về việc trái phiếu thuộc loại có rủi ro hay không, rủi ro như thế nào và rủi ro ở phần nào. Đặc biệt, chỉ các doanh nghiệp đã tạo lập được uy tín trên thị trường, đã có được niềm tin của nhà đầu tư thì mới hút vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ, khi cần vốn thì tìm đến ngân hàng hay một kênh vốn khác. Còn ở Việt Nam, phần nào đấy thị trường trái phiếu còn thiếu minh bạch trong triển khai. Minh chứng là, thời gian qua, doanh nghiệp nào, bất kể nhỏ to, yếu mạnh, đều dùng “chiêu” mạnh tay chi trả lãi suất cao để thu hút vốn từ nhà đầu tư bất chấp những cảnh báo của cơ quan quản lý hay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín. 

Theo ông Đặng Thành Tâm, khi rủi ro phát sinh, lỗi ở doanh nghiệp là đương nhiên, nhưng cũng không thể bỏ qua lỗi của cơ quan quản lý, vận hành thị trường khi đã để doanh nghiệp mặc nhiên vi phạm. Vấn đề là cấp có thẩm quyền cần định hình quy tắc vận hành, xử lý làm sao cho thị trường hoạt động suôn sẻ, tôn trọng quy luật thị trường, tránh những can thiệp cứng nhắc, giật cục làm suy giảm hoặc triệt tiêu lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường quan trọng này.

Thiết nghĩ, đã đến lúc, cơ quan chức năng cần nhận thức rõ việc nên xây dựng như thế nào, phát triển thị trường trái phiếu theo hướng nào sau thời gian vừa qua nhà đầu tư bị khủng hoảng niềm tin do thiếu thông tin. Điều này cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, đặc biệt là trên khía cạnh pháp lý./.

Thuỷ Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN