Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trách nhiệm và lương tâm người cầm bút

Thứ Năm, 19/05/2016 14:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mới đây, dư luận ngỡ ngàng khi hay tin phóng viên VTV đã dàn dựng phóng sự “cây chổi quét rau”, gây tác động xấu đến dư luận và xã hội...


Cảnh cắt từ phóng sự “Cây chổi quét rau” của VTV.


Theo đó, phóng viên (PV) này đã "nhờ" một người dân dùng chổi quét rau tạo những vết rách giống như bị sâu ăn, mục đích để người tiêu dùng tin rằng đó là “rau sạch” bởi có sâu (có nghĩa là không bị phun thuốc trừ sâu). Sau đó, PV này ghi hình cảnh quét rau đó. Ngay khi phóng sự “Cây chổi quét rau” phát trên chương trình Cà phê sáng VTV3, người dân trồng rau ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã không bán được rau do bị cho là rau bẩn giả thành rau sạch như VTV phản ánh. Người dân Vĩnh Thành đã kịch liệt phản ứng việc “dựng chuyện” gây thiệt hại của phóng viên.

Còn nhớ, hồi giữa năm 2015, một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin túi nilon sản xuất tại Đài Loan bọc trái xoài gây ung thư. Một số tờ báo khác còn "bồi" thêm: túi nilon khiến xoài đổi màu... Các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm nghiệm túi nilon và trái xoài. Kết quả không phát hiện độc tố ở túi và xoài. Nhưng lúc này người trồng xoài đã lãnh đủ thiệt hại từ thông tin thất thiệt, khi giá xoài nhanh chóng giảm rất thấp.

Từ những sự việc trên cho thấy, công sức của người lao động, chủ trương phát triển kinh tế của địa phương trong bao năm có thể "xôi hỏng bỏng không" chỉ vì vài dòng tin trên báo chí do những phóng viên (người cầm bút), cơ quan báo chí thiếu trách nhiệm viết và đăng tải.

Trong xã hội thông tin với việc cập nhật thông tin thường xuyên và liên tục, mọi lúc, mọi nơi như hiện nay, sức lan tỏa thông tin vô cùng nhanh, chỉ một dòng tin sai sự thật cũng có thể tác động xấu tới hàng trăm nghìn người, thậm chí có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, gây hoang mang trong xã hội. Trong một số trường hợp, những tin tức sai sự thật, thiếu nhạy cảm chính trị còn  tạo cớ cho những phần tử chống phá thổi phồng để gây bất ổn xã hội.

Chuyện một số doanh nghiệp, cá nhân có sai sót nhỏ nhưng bị một số báo chí, trang thông tin "thổi phồng" thành to chuyện đã không còn "hiếm" trong làng báo hiện nay. Nó đang báo động hiện tượng lợi dụng “quyền lực thứ tư” để hạ bệ, đánh đổ ai đó. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để thanh minh, nhưng đa số đều lâm vào cảnh “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Những sự việc trên cho thấy, trách nhiệm của người cầm bút không là chỉ phản ánh đúng sự thật mà còn cần phải có tính định hướng, tính nhân văn để vừa chống, vừa xây, vừa phát huy những mặt tích cực của đối tượng được phản ánh. Điều đó cũng đồng nghĩa, tri thức và ý thức trách nhiệm của người cầm bút, của cơ quan báo chí trong mỗi tác phẩm báo chí là yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Nó không chỉ phát huy vai trò tích cực của báo chí mà còn là cơ sở để người cầm bút không vi phạm pháp luật, không bị chệch hướng khi phản ánh sự việc.

"Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?" - Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, nhưng vô cùng sâu săc đối với những người cầm bút, luôn luôn mang tính thời sự, nhất là trong kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay. Những người cầm bút, nếu không tỉnh táo, không có tri thức, không nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp thì rất dễ sa vào việc viết bừa, viết ẩu, viết theo kiểu "giật gân, câu khách", có thể gây tác hại vô cùng lớn cho cộng đồng và xã hội./.

Bùi An

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN