Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trách nhiệm phát ngôn

Thứ Tư, 27/04/2016 17:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Này, ông thấy nói thế này có nghe được không? -  bỏ tờ báo xuống bàn, một người quay sang nói với bạn, vẻ bức xúc.

- Chuyện gì khiến bác bực mình vậy ?

- Đây ông xem, việc cá chết hàng loạt ven biển một số tỉnh miền Trung đang làm cho người dân hết sức hoang mang, vừa lo thiệt hại kinh tế, vừa sợ mất an toàn môi trường và sức khỏe. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc, chưa có kết luận gì cụ thể, thì một ông lãnh đạo tỉnh khuyên dân cứ yên tâm ăn cá, yên tâm tắm biển…

- À, tôi cũng đã nghe vụ này. Không hiểu ông ấy nghĩ sao mà nói vậy trước nhân dân. Trong khi đã có người dân khu vực ảnh hưởng bị ngộ độc thực phẩm do nghi ăn hải sản, không biết bản thân ông hay người thân của ông có ăn cá, tắm biển dịp này không?

- Đành rằng, có thể do lãnh đạo muốn trấn an dư luận, nhưng không thể phát ngôn thiếu trách nhiệm thế được. Mới đây, một vị lãnh đạo cấp bộ đã phải xin lỗi người dân về phát ngôn “gây sốc” của mình trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát ngôn của cấp ủy,  lãnh đạo cơ quan, đơn vị là để chỉ đạo, định hướng đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm cơ quan, đơn vị quản lý. Do đó, khi phát ngôn trước một vụ việc, vấn đề gì, người lãnh đạo cần thấy rõ trách nhiệm của mình, không gây hoang mang dư luận, không thể phát biểu tùy tiện, chủ quan, duy ý chí. Điều đó thể hiện trách nhiệm cán bộ chủ chốt đối với việc củng cố uy tín cá nhân, cơ quan, đơn vị, cũng là thái độ trách nhiệm đối với nhân dân, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống an sinh của nhân dân. Dân gian có câu “Lời nói không mất tiền mua” để nhắc nhở mỗi người cần cân nhắc trước khi nói. Đối với người bình thường đã vậy, đối với người có trách nhiệm, càng phải ý thức rõ điều này./.

 

 

Lê Vy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN