Trách nhiệm người nổi tiếng
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội thường xuyên xuất hiện các video, clip của nhiều người nổi tiếng có nội dung quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ như: Thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Điều này đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Dư luận cho rằng, người nổi tiếng cần có trách nhiệm với lời nói, hành động của mình khi tham gia các hoạt động quảng cáo.
Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội và những nền tảng truyền thông như Facebook, YouTube, TikTok…, một số người nổi tiếng, nhất là các nghệ sĩ đã tham gia nhiều clip quảng cáo có nội dung “thổi phồng”, cường điệu về tác dụng của các loại hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Điển hình như việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia quảng cáo các loại "thần dược" có thể chữa được bệnh nan y, tuy nhiên, thực tế những "thần dược" này chỉ là thực phẩm chức năng bình thường. Sau khi vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, nhiều người nổi tiếng đã phải gỡ clip quảng cáo và xin lỗi công chúng.
Thực trạng này đang khiến dư luận bức xúc, đòi hỏi sớm có biện pháp chấn chỉnh, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nâng cao trách nhiệm của người tham gia các clip quảng cáo.
Ảnh minh họa. |
Các chuyên gia cho rằng, người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng xã hội nhất định, vì vậy sự xuất hiện của họ gắn với mỗi sản phẩm được quảng cáo sẽ tác động không nhỏ tới suy nghĩ và quyết định của người tiêu dùng. Do đó, khi người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, sẽ có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vì tin tưởng nên đã mua, sử dụng những sản phẩm ấy để rồi gánh chịu những hậu quả không mong muốn. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người.
Ở góc nhìn khác, việc tham gia quảng cáo các sản phẩm độc hại, quảng cáo sai sự thật và lừa dối người tiêu dùng cũng phần nào cho thấy sự thiếu ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp ở một số người nổi tiếng. Thực tế trên thế giới, nhiều người nổi tiếng, nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã có thu nhập lớn từ các hợp đồng quảng cáo, nhưng họ rất thận trọng trong khâu lựa chọn nhãn hàng để đóng quảng cáo vì lo sợ thương hiệu cá nhân bị ảnh hưởng. Đáng tiếc là ở nước ta, nhiều người nổi tiếng chưa quan tâm đến vấn đề này; một số quản lý nghệ sĩ chỉ quan tâm giá trị hợp đồng quảng cáo mà bỏ qua tính trung thực của các nội dung quảng cáo; không cần biết chất lượng, công dụng của sản phẩm đó ra sao. Bên cạnh đó, số ít người nổi tiếng còn cho rằng việc xuất hiện thường xuyên trên các nền tảng mạng xã hội cũng là một cách quảng bá hình ảnh, gia tăng thêm danh tiếng nên họ sẵn sàng tham gia các nội dung quảng cáo dù có thể chưa nhận thức đầy đủ, chính xác về hiệu quả của sản phẩm được quảng cáo.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. (Ảnh: TL) |
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, hành vi quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm nghiệm chất lượng, trôi nổi trên thị trường thuộc nhóm các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo quy định về “Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo” ghi rõ: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”. Việc quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng, theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Đồng thời, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 197 (tội Quảng cáo gian dối) và Điều 198 (tội Lừa đảo khách hàng).
“Tùy từng hành vi cụ thể, tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (chủ thể thuê người nổi tiếng tham gia quảng cáo) sẽ bị truy cứu với vai trò là người chủ mưu, tổ chức thực hiện hành vi phạm tội; còn người nổi tiếng có thể bị xem xét là đồng phạm với vai trò người giúp sức”, Luật sư Nguyễn Phú Thắng chia sẻ thêm.
Theo nhiều chuyên gia, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những nhãn hàng tung quảng cáo sản phẩm mà không có giấy phép đăng ký; xử lý những nhãn hàng quảng cáo khi chưa được phê duyệt nội dung quảng cáo; xử lý các clip có nội dung quảng cáo sai so với nội dung gửi phê duyệt. Về lâu dài, cần xem xét, bổ sung các quy định pháp lý để ràng buộc các cá nhân khi xuất hiện trong các clip quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình. Nghệ sĩ phát ngôn quảng cáo cho sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành, phát ngôn sai công dụng điều trị của sản phẩm thì phải bị xử lý như hành vi đưa tin sai sự thật.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các chế tài, quy định của pháp luật, thiết nghĩ, cá nhân người nổi tiếng cần đề cao trách nhiệm khi tham gia quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội. Trước khi nhận lời quảng cáo sản phẩm, người nổi tiếng nên cân nhắc, lựa chọn, tìm hiểu kỹ về chất lượng thực của sản phẩm; đưa thông tin chân thật, không thổi phồng công dụng của sản phẩm… Người nổi tiếng cần coi trọng trách nhiệm xã hội và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp khi tham gia các clip quảng cáo. Với tư cách người của công chúng, cá nhân người nổi tiếng phải hướng đến công chúng, hướng đến xã hội, hài hòa lợi ích của công chúng với lợi ích của bản thân; không vì giá trị hợp đồng quảng cáo mà thông tin sai sự thật về sản phẩm. Đó là cách để cá nhân người nổi tiếng xây dựng, quảng bá hình ảnh cá nhân hiệu quả và bền vững nhất; thực sự xứng đáng với niềm tin, tình cảm của công chúng./.