Trà Vinh: Khuyến cáo chậm thả tôm giống khi nắng nóng kéo dài
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, có khả năng nắng nóng kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5, rất dễ xảy ra dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy trên tôm nuôi.
Đồng thời, trong quá trình nuôi hạn chế sử dụng kháng sinh, nên sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý hoặc nuôi kết hợp với các loài cá có khả năng phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi như cá phi, cá đối…
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy trình nuôi tôm đúng kỹ thuật đến các hộ nuôi, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở bán tôm giống.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh cử cán bộ kỹ thuật, kỹ sư xuống địa bàn hỗ trợ, tư vấn bà con phương pháp điều trị bệnh cho tôm, theo dõi môi trường nước, phân tích mẫu giáp xác trong môi trường tự nhiên để thông tin kịp thời cho các hộ nuôi tôm lấy nước vào ao nuôi và xử lý nước.
Vụ nuôi tôm năm 2016, ở vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) có kế hoạch thả nuôi 2 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 19.000 ha và 2,5 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 5.000 ha; phấn đấu đạt 35.500 tấn tôm thương phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 275 triệu con tôm sú trên diện tích 4.800 ha và hơn 6,8 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 400 ha. Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Huyện Cầu Ngang là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất với 21% diện tích thả nuôi tôm sú và 25% diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng./.